Theo Trung tâm Xúc tiến Thương mại Nông nghiệp Hà Nội, tổng dân số Hà Nội đang dao động khoảng 10 triệu người (cả học sinh, sinh viên, lao động lưu trú, khách du lịch), trong khi đó khả năng sản xuất tại chỗ mới chỉ đảm bảo khoảng 69% thịt gia súc, gia cầm; 38% gạo tẻ chất lượng; 18% quả tươi các loại…
Lượng sản phẩm nông sản thực phẩm có chứng nhận và nguồn gốc mới chỉ chiếm khoảng 20%. Một lượng lớn các sản phẩm nông sản Thủ đô được thương lái thu mua, tập kết tại các chợ đầu mối và sau đó tiêu thụ tại các chợ dân sinh, cửa hàng, bếp ăn tập thể. Thực tế, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản thực phẩm an toàn trên địa bàn thành phố Hà Nội còn hạn chế.
Theo ông Nguyễn Văn Mạnh, Chủ tịch UBND xã Thanh Đa, huyện Phúc Thọ, mỗi ngày vào chính vụ Thanh Đa xuất ra thị trường 8-10 tấn rau các loại. Tuy sản phẩm đã đạt chất lượng an toàn nhưng rau chỉ tiêu thụ được tại các chợ đầu mối, khó có thể vào siêu thị do đến khâu phân phối thì bị “mất gốc”.
Xác nhận vấn đề trên, bà Vũ Thị Hậu, quản lý chuỗi siêu thị Fivimart cho biết, mỗi ngày siêu thị tiêu thụ nông sản khá lớn, tuy nhiên, chủ yếu là đặc sản của các tỉnh. Đơn cử như cam Canh Hưng Yên bán lượng bán nhiều hơn gấp 4 – 5 lần cam Canh Hà Nội.
Bà Nguyễn Thị Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất khiến nông sản an toàn có nguồn gốc của Hà Nội là do khâu tuyên truyền. Dẫn đến, doanh nghiệp không biết mua nông sản sạch ở đâu, người sản xuất thì không biết bán cho ai, người tiêu dùng thì luôn hoài nghi về chất lượng nông sản. Việc liên kết giữa các cơ sở sản xuất nông sản thực phẩm an toàn còn hạn chế, mạnh ai nấy làm.
Ông Nguyễn Huy Đăng, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội cho biết, sản xuất theo chuỗi khép kín, đảm bảo quy trình ATTP, rõ nguồn gốc xuất xứ, không sử dụng chất cấm là xu hướng tất yếu. Ngành nông nghiệp Hà Nội sẽ tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đảm bảo an toàn từ khâu sản xuất đến khâu tiêu thụ nông sản.
Theo lãnh đạo Sở NN&PTNT Hà Nội, để nông dân gắn bó lâu dài với doanh nghiệp, cần tạo chất kết dính giữa “bốn nhà”, đó chính là việc song hành lợi ích của nông dân với lợi ích của doanh nghiệp phân phối.
Vừa qua, đã có trên 30 hợp đồng hợp tác được ký kết giữa các đơn vị, nhà sản xuất với doanh nghiệp phân phối nông sản thực phẩm an toàn. Trong đó, cam kết cùng sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm sạch, đưa sản phẩm an toàn đến người tiêu dùng.