Liên hoan phim quốc tế Hà Nội: Sự chịu chơi của ban tổ chức

TP - Bước tiến đáng kể của LHP quốc tế Hà Nội lần 4 thể hiện trước hết ở số khách mời quốc tế khoảng 200 người, sự chịu chơi của BTC khi chi số tiền khủng để đưa nhiều phim chất lượng về trình chiếu. Lễ khai mạc diễn ra tối nay 1/11 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, trực tiếp từ 20h trên VTV1.
NSND Nga Zinaida Kirienko được Bác Hồ đặt tên Việt Nam, một trong số khách mời quốc tế đến Hà Nội. Ảnh: Toan Toan.

Sức hút

Khoảng một nghìn khách mời trong và ngoài nước, trong đó có khoảng 200 khách mời quốc tế đổ bộ về Hà Nội dịp này. Được biết, khoảng gần một nửa khách mời quốc tế tự bỏ chi phí trong chuyến đi dự LHP. So với con số khiêm tốn hơn của các kỳ trước, điều này chứng tỏ chỗ đứng và uy tín nhất định của liên hoan phim, bà Ngô Phương Lan, Cục trưởng Cục Điện ảnh khẳng định trong họp báo chiều tối 31/10 tại đại bản doanh LHP-khách sạn Daewoo.

Sự xuất hiện của cặp đôi đạo diễn-nữ diễn viên chính phim Đông Dương - Régis Wagnier và Catherine Deneuve - gây chú ý trong những ngày qua. Trong số nghệ sỹ quốc tế đến Hà Nội lần này có gương mặt quen thuộc với khán giả Việt Nam thế hệ trước - Zinaida Kirienko- với các phim Sông Đông êm đềm, Số phận một con người. Xuất hiện tại họp báo chiều 31/10, NSND người Nga Zinaida Kirienko nhiều lần nhắc đi nhắc lại về kỷ niệm hai lần được gặp Bác Hồ. Bà cũng được Bác Hồ đặt tên Zinaida Hồng. “Tôi là người bạn cũ của Việt Nam, những bộ phim tôi tham gia thuộc thế hệ khác”, bà Zinaida nói.

Tuy nhiên, sự cố và điều đáng tiếc nhất về phía khách mời là sự vắng mặt của nữ diễn viên Geraldine Chaplin-con gái vua hề Chaplin- trước đó nhận lời mời làm giám khảo phim dài dự thi. Đại diện BTC thông báo, vì lí do cá nhân đặc biệt vào phút cuối nên bà Geraldine đành lỗi hẹn. “Bà ấy gửi lời xin lỗi và nói rằng nếu các kỳ LHP Quốc tế Hà Nội sau còn cần đến bà sẵn sàng tham gia”, bà Ngô Phương Lan nói. Thay thế vị trí của bà Geraldine trong Ban giám khảo phim dài dự thi là Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà điện ảnh Hoa Kỳ.

Điểm nhấn

Sát ngày khai mạc, BTC tung ra thông tin phim chiếu khai mạc là I, Daniel Blake, như minh chứng nỗ lực và sự chịu chơi của BTC. Phim của đạo diễn Anh Ken Loach rinh Cành cọ vàng 2016 tại Cannes. Theo tiết lộ của bà Ngô Phương Lan, BTC phải chi số tiền bản quyền không nhỏ để đưa phim về với khán giả Việt, tuy nhiên may mắn Hội đồng Anh chia sẻ phần lớn số tiền này. Phim mới ra mắt tại Anh hôm 21/10, công chiếu tại Mỹ từ 6/1/2017. I, Daniel Blake (Tôi, Daniel Blake) nằm trong chùm phim Toàn cảnh thế giới.

Tiêu điểm điện ảnh năm nay là Ấn Độ và Italia, đại diện xứng tầm của hai châu lục. Trả lời câu hỏi lí do lựa chọn này, bà Ngô Phương Lan nhắc đến Ấn Độ như nền điện ảnh có nội lực mạnh mẽ, trung tâm điện ảnh châu Á không nước nào khác ngoài Ấn Độ. Đạo diễn Ấn Độ Adoor Gopalakrishman, thành viên BGK phim dài tự hào về nền điện ảnh “sản xuất nhiều phim nhất thế giới, nội dung phong phú và bằng nhiều thứ tiếng”. Bà Đại sứ Italia Cecilia Piccioni nhắc tới niềm tự hào nền điện ảnh Italia có lịch sử lâu dài, phát triển và biểu hiện cho văn hóa và con người Italia.

Cả thảy 146 bộ phim dài, ngắn được trình chiếu ở các hạng mục khác nhau. Ngoài hình thức chiếu phim truyền thống BTC thử nghiệm một phòng chiếu đặc biệt dành cho khán giả chưa tiếp cận được phim rạp có thể mượn DVD tại chỗ để xem phim. Một trong số điểm nhấn được nhắc tới là các bữa tiệc điện ảnh ngoài trời, có sự phối hợp với Cty Sen Vàng. Bà Phạm Thị Kim Dung, Tổng Giám đốc Cty Sen Vàng cho biết, trước mỗi buổi chiếu phim 30 phút có các chương trình ca nhạc hoặc trình diễn thời trang tại khuôn viên phía sau tượng đài Lý Thái Tổ, có thể mang đến sự vui vẻ cho khán giả.

Cơ hội giao lưu học hỏi từ các nền điện ảnh khác nhau như lời phát biểu của Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên là điều không cần bàn cãi. LHP năm nay tạo cơ hội cho các nhà làm phim trẻ. “Chợ dự án các kỳ trước quan tâm đến các dự án phim thể nghiệm, năm nay chia làm hai mảng phim nghệ thuật lẫn dự án khả thi của các đạo diễn trẻ Việt Nam. Đây có thể xem là cú hích để các nhà làm phim trẻ khởi nghiệp, có thể thu hút sự quan tâm và đầu tư của các nhà sản xuất”, bà Lan nói.

Đạo diễn Ấn Độ Adoor đồng tình, ông nói rằng đó là lí do tại sao các nước phải tổ chức các LHP quốc tế. Mỹ có khoảng 100 LHP quốc tế khác nhau, rất nhiều LHP là bệ phóng cho các tác phẩm điện ảnh độc lập. “Riêng Ấn Độ có 10 cuộc khác nhau, có cuộc do chính phủ tổ chức, có những cuộc chỉ do các nhà sản xuất tổ chức, một số khác do các bên liên quan đứng ra”, giám khảo Adoor nói. Ông cho rằng, LHP quốc tế Hà Nội mới ở giai đoạn khởi đầu, khoảng mươi năm nữa sẽ có sự phát triển và thu hút đông đảo các nền điện ảnh quốc tế hơn nữa.

Không chiếu gộp vào lễ khai mạc, Tôi, Daniel Blake trình chiếu chiều 1/11 tại Trung tâm Chiếu phim quốc gia. Lễ khai mạc, bế mạc theo lời đơn vị tổ chức được làm đơn giản, gọn nhẹ vì mang tính đặc thù chuyên môn. Lễ khai mạc sẽ có nội dung nhấn vào hai nền điện ảnh được chọn làm tiêu điểm-Ấn Độ và Italia.