Ngày 11/9, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thông báo có những dấu hiệu tại nhà máy điện hạt nhân thử nghiệm Yongbyon của Triều Tiên cho thấy lò phản ứng hạt nhân tại đây có thể đang hoạt động.
Trong một tuyên bố được đưa ra tại cuộc họp của ban giám đốc ở Vienna, IAEA bày tỏ quan ngại về vụ thử hạt nhân hôm 3/9 của Triều Tiên. Tổng Giám đốc IAEA Yukiya Amano nêu rõ: “Tại nhà máy sản xuất thanh nhiên liệu hạt nhân Yongbyon, có những dấu hiệu phù hợp với việc sử dụng cơ sở đặt máy ly tâm làm giàu (urani) này”. Ông Amano cho biết, hiện IAEA tiếp tục theo dõi sự phát triển của chương trình hạt nhân của Triều Tiên mặc dù nước này không nằm trong cơ chế bảo vệ của IAEA.
Ngày 11/9, Hàn Quốc nhất trí phối hợp với Pháp và Úc trong nỗ lực đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán và giải quyết vấn đề hạt nhân của Bình Nhưỡng thông qua các biện pháp trừng phạt và gây sức ép ở mức cao nhất. Park Soo-hyun, Người phát ngôn Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, cho biết, trong cuộc điện đàm riêng rẽ với người đồng cấp Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Úc Malcolm Turnbull, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã thảo luận về những phản ứng phối hợp đối với vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên diễn ra ngày 3/9. Ông cho rằng vụ thử này thuộc cấp độ “khác với trước đây”, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cộng đồng quốc tế thành lập một mặt trận thống nhất để đối phó với các mối đe dọa đang gia tăng của Bình Nhưỡng.
Trong cuộc điện đàm kéo dài 20 phút với Tổng thống Macron, nhà lãnh đạo Hàn Quốc đề nghị Pháp - Ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ - đóng vai trò “tích cực và liên tục” trong việc đảm bảo cơ quan trên sẽ thông qua thêm nhiều biện pháp trừng phạt chống Triều Tiên và những biện pháp này sẽ thực thi nghiêm chỉnh. Về phần mình, ông Macron chia sẻ quan điểm trên và cam kết ủng hộ hoàn toàn lập trường của Seoul.
Trong cuộc trao đổi với Thủ tướng Turnbull, Tổng thống Moon Jae-in nhấn mạnh rằng vụ thử hạt nhân của Triều Tiên đã đặt ra một “thách thức nghiêm trọng” đối với hòa bình và an ninh của thế giới. Đáp lại, nhà lãnh đạo Úc cam kết tăng cường sức ép với Triều Tiên bằng cách thực thi đầy đủ các biện pháp trừng phạt của LHQ.
Cùng ngày, hãng tin Kyodo dẫn các nguồn thạo tin nói rằng, Trung Quốc được cho là đã chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh bắt đầu ngừng giao dịch thông qua các tài khoản do người Triều Tiên nắm giữ, động thái có khả năng khiến cho hoạt động thương mại giữa hai nước trở nên khó khăn hơn.
Theo đó, chi nhánh của ít nhất 3 ngân hàng quốc doanh lớn tại thành phố Diên Cát, miền đông bắc Trung Quốc, gồm Ngân hàng Trung Quốc, Ngân hàng Xây dựng Trung Quốc và Ngân hàng Nông nghiệp Trung Quốc, đã cấm người Triều Tiên mở tài khoản. Mặc dù vẫn có thể rút tiền từ các tài khoản hiện có, song các khách hàng đến từ Triều Tiên không còn có thể gửi tiền tiết kiệm hoặc chuyển tiền. Cũng theo Kyodo, những biện pháp mới nhất này cũng được cho là đã được áp dụng ở tỉnh Liêu Ninh của Trung Quốc, khu vực thương mại chính giữa Trung Quốc và Triều Tiên.
Những biện pháp hạn chế giao dịch ngân hàng nói trên diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang hối thúc Hội đồng Bảo an LHQ bỏ phiếu về các biện pháp trừng phạt mới đối với Triều Tiên. Trước đó một ngày, Mỹ công bố một bản dự thảo nghị quyết sửa đổi về các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mà theo các nhà ngoại giao, dự thảo này có những nhượng bộ với phía Nga và Trung Quốc nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của hai nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an có quyền phủ quyết này.
Theo đó, Mỹ đồng ý bỏ đề nghị về đóng băng tài sản đối với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (được đề xuất trong dự thảo trước đó). Lệnh cấm vận dầu mỏ đối với Triều Tiên có thể được thực hiện từng bước. Dự thảo mới cũng được đánh giá là mềm dẻo hơn khi đề cập đến vấn đề người lao động Triều Tiên và việc thanh sát bắt buộc đối với các tàu của Triều Tiên nghi chở hàng hóa thuộc diện bị LHQ cấm.
Tuy nhiên, dự thảo mới vẫn bao gồm một lệnh cấm đối với hàng dệt may. Mục đích của các biện pháp trừng phạt mới là khiến Triều Tiên không có nhiều lựa chọn nào khác ngoài việc trở lại bàn đàm phán.