Lên Lùng Cúng ngắm rừng hoa Sơn Tra nở tuyệt đẹp sau ngủ đông

TPO - Những ngày này ở Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải), từng chùm hoa sơn tra (táo mèo) trắng tinh khôi bung nở sau nhiều tháng ngủ đông.

Cứ đến độ tháng 3 dương lịch, những cây sơn tra đồng loạt trổ hoa và chỉ nở rộ trong khoảng 20-30 ngày. Đỉnh Lùng Cúng (thuộc bản Lùng Cúng, xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái) là đỉnh cao nhất nằm trong dãy Hoàng Liên Sơn, phân chia ranh giới giữa huyện Mù Cang Chải với huyện Văn Bàn của tỉnh Lào Cai, với độ cao 2.913m so với mực nước biển nên khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ.

Lùng Cúng (xã Nậm Có, huyện Mù Cang Chải) cách thành phố Yên Bái 150km. Du khách đi xe máy từ bản Lùng Cúng men theo con đường quanh co, hiểm trở mất khoảng 45 phút sau đó phải tự leo 11km để lên đỉnh.

Rừng hoa sơn tra (táo mèo) bung nở.

Trên đỉnh cao nhất của Lùng Cúng có một bãi đất bằng phẳng rộng khoảng 1ha với tầm nhìn bao quát xung quanh như: thung lũng Lùng Cúng, xã Chế Cu Nha (Mù Cang Chải), các xã của huyện Văn Bàn (Lào Cai)… Khí hậu nơi đây thật trong lành với thảm thực vật phong phú, tại các vùng phụ cận còn có thêm các loài hoa rừng như: hoa đỗ quyên, cây Phong lá đỏ và một số loài hoa khác.

Nhiều đoạn, cả một triền núi đã được nhuộm màu trắng xóa của hoa sơn tra. Bản Lùng Cúng, xã Nậm Có - nơi được coi là thủ phủ của cây sơn tra ở đất Mù Cang Chải

Không chỉ bởi diện tích sơn tra tập trung ở bản này nhiều mà sơn tra ở Lùng Cúng còn là nơi cho sản lượng cao và thơm ngon có tiếng.

Những bông hoa sơn tra khi bung nở nhìn rõ 5 cánh cùng các đầu nhụy hoa từ mầu vàng dần dần ngả sang màu nâu đất vươn ra đón nắng, gió mùa xuân để trổ hoa ngạt ngào hương sắc.

Hoa nở mang cảm giác xao xuyến, lãng mạn trên những nếp nhà của người Mông đơn sơ bên sườn núi.

Được biết, huyện vùng cao Mù Cang Chải hiện có trên 6.000 ha sơn tra, trong đó trên 3.000 ha đã cho thu hoạch với sản lượng 3000 tấn/năm, đem về nguồn thu ổn định cho người dân mà không mất nhiều công chăm sóc

Giờ đây, sơn tra không còn là thứ cây rừng hoang dại mà giờ đây được xác định là một trong những cây kinh tế mũi nhọn trong trồng rừng phòng hộ đa mục đích ở Mù Cang Chải.