Lễ tế nghĩa trủng Nam Ô để không quên xương máu tiền nhân

TPO - Nghĩa trủng Nam Ô - nơi yên nghỉ của hàng ngàn dân binh, nghĩa sĩ các tỉnh miền Trung đã ngã xuống sau những trận chiến khốc liệt chống liên quân Pháp – Tây Ban Nha xâm lược ròng rã suốt 19 tháng trời kể từ sáng ngày 1/9/1858.  

Sáng nay, 25/4, các bô lão làng Nam Ô (phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng) tổ chức lễ tế Nghĩa trủng Nam Ô.

Lễ tế vong linh nghĩa sỹ  mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc của người dân Nam Ô, diễn ra vào đúng ngày 10 tháng 3 âm lịch hàng năm, nhằm tưởng nhớ những nghĩa sỹ, nghĩa dân đã anh dũng hi sinh vì đất nước từ buổi đầu kháng Pháp.

Theo sử liệu, đây là nghĩa trủng của các chiến binh trận đồn Chơn Sảng (phía bắc Nam Ô dưới chân đèo Hải Vân) trong trận chiến khốc liệt ngày 18/11/1859.

Theo đó, sau thời gian dài trong thế trận giằng co ở khu vực Đà Nẵng kể từ khi nổ phát súng xâm lược đầu tiên vào bán đảo Sơn Trà, ngày 1/11/1859, tướng Page của Pháp đến Đà Nẵng để chuẩn bị mở một cuộc tấn công lên phía bắc Đà Nẵng nhằm tiến ra Huế.

Ngày 18/11/1859, Page điều động soái hạm Néméris và hai tàu chiến, tập trung đại bác bắn vào pháo đài Điện Hải và đồn Chân Sảng dữ dội. Đại bác quân ta cũng rộ lên đáp trả, một quả đạn rơi trúng soái hạm đã giết chết Đại tá Dupré Déroulède (người vạch kế hoạch đánh Đà Nẵng) và làm cho một số binh sĩ bị thương. Tướng Page ra lệnh pháo kích tới tấp rồi sai Desaulx dẫn 300 quân chiếm đồn Chân Sảng, đẩy quân Việt lui vào trong núi.

Tin chiến sự báo về, vua Tự Đức lệnh cho Thống chế Nguyễn Trọng Thao đem quân từ đèo Hải Vân đánh lấy lại đồn Chân Sảng. Nguyễn Hiên và Trần Đình Túc đóng ở các đồn Câu Đê và Hóa Ổ cũng được lệnh đem quân đánh phối hợp. Liên quân của Pháp không chống nổi, bỏ đồn Chân Sảng xuống tàu chiến thoát ra khơi vào tháng 1/1860.

Sau trận chiến, vua Tự Đức đã lệnh quy tập các chiến binh, nghĩa sỹ hy sinh về đây để lập Dinh Âm hồn thờ cúng.

Dinh Âm hồn tại nghĩa trủng Nam Ô nằm giữa tổ 47 phường Hòa Hiệp Nam (Liên Chiểu), theo dân làng là một nhánh của Dinh Âm hồn chính ở gần biển. Hiện Dinh Âm hồn chính gần biển đã nằm trong dự án Resort của Tập đoàn Trung Thủy.

Phía sau dinh hiện có khoảng 500 ngôi mộ của các nghĩa sỹ. Ông Lê Thắng, 79 tuổi, trong Ban chấp sự của làng Nam Ô, cũng là chủ bái của lễ tế, cho biết: Trước kia các ngôi mộ ở nghĩa trủng này được đắp bằng đất. Và từ thời chiến tranh đã có tình trạng nhà dân xây ở giữa nghĩa trủng, nay vẫn còn nguyên.

Đến năm 2005, dân làng tự nguyện đóng góp kinh phí để tôn tạo những ngôi mộ bằng xi măng như hiện tại.

Bây giờ, ở Đà Nẵng người ta thường chỉ nhắc đến những nghĩa trũng Hòa Vang, Phước Ninh. Còn nghĩa trủng Nam Ô hầu như không được nhắc đến.

Vào lễ chạp mả mỗi năm, dân làng Nam Ô thường tự rủ nhau dọn dẹp vệ sinh nghĩa trủng. Nhưng cảnh hoang phế của nghĩa trủng Nam Ô khiến nhiều người cám cảnh, nao lòng.

Nhưng dù thế nào, người dân Nam Ô vẫn không bao giờ quên ơn xương máu của các bậc tiền nhân 

Với người dân Nam Ô việc làm lễ tế Nghĩa trủng không chỉ để tưởng nhớ, mà còn mong muốn linh hồn các bậc tiền nhân được siêu thoát.

Lễ tế nghĩa sỹ thường được tổ chức gồm ba phần: Lễ túc, lễ mời, lễ thần. Trong ngày lễ, bàn thờ được người dân trang hàng rực rỡ, trang nghiêm,với đầy đủ hương hoa ngũ quả.

Ban nghi lễ được chọn gồm các cụ cao niên, hiền đức có uy tín trong làng. Một vị trong ban nghi lễ dâng đồ tế lễ và đọc văn tế để nói lên lòng biết ơn của dân làng đối với sự hy sinh của các nghĩa sỹ.

Một số hình ảnh lễ tế Nghĩa trủng Nam Ô:

Các cụ già trong làng đang chuẩn bị đồ tế lễ
Còn bên ngoài các cô tất bật chuẩn bị đồ cúng 
Vị chánh bái chuẩn bị thắp hương
                                         Bắt đầu lễ tế vong linh nghĩa sỹ Nam Ô

                                                            Vị chánh bái dâng hương tế lễ

Dâng hương 
Cúi đầu trước vong linh các nghĩa sỹ và tiên tổ 
Vị chủ lễ của làng đọc văn tế tri ân nghĩa sỹ

Văn tế  nghĩa sỹ

Cúi đầu trước tiền nhân

                                                     Hiện trạng đáng buồn của Nghĩa trủng Nam Ô
Nghĩa trủng Nam Ô nằm chen giữa nhà dân trên những lối hẻm chật chội
Bảng ghi công đức đóng góp của dân làng Nam Ô tu sửa Nghĩa trũng vào năm 2005