‘Nhạc công’ đa tài
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ những cây đàn tính, đàn nhị, đàn bầu, đàn nguyệt đến ghi-ta, vĩ cầm… được ông Kha Văn Hưng treo trang trọng trên tường. Những nhạc cụ này được ông Hưng nâng niu như báu vật của cuộc đời mình. Ông Hưng nói rằng, “mình không phải là dân nghệ sĩ, gia đình cũng không có ai theo nghiệp ca hát nhưng không biết từ bao giờ, niềm đam mê những nhạc cụ dân tộc đã ngấm vào máu nên khó bỏ. Một ngày không được chơi nhạc là tay chân tôi như bụng lên cơn đói”.
Khi được hỏi về niềm đam mê chế tạo và chơi nhạc cụ, ông Hưng tâm sự: “Hồi ấy, tôi say mê âm nhạc, đến nỗi hễ nghe ở đâu có tiếng đàn, tiếng sáo vang lên là tôi quên hết mọi việc tìm đến để học. Không có điều kiện học chính quy và bài bản, tôi dành thời gian tự học qua sách báo, tivi và tìm đến những nghệ nhân ở khắp các làng quê. Mỗi khi chương trình truyền hình có tiết mục độc tấu nhạc cụ dân tộc thể nào tôi cũng đón xem bằng được".
Trời phú khả năng cảm thụ âm nhạc tốt và sự tập luyện miệt mài, ông Hưng đã chơi được rất nhiều nhạc cụ dân tộc, trong đó thành thạo hơn 10 loại đàn, sáo trúc gồm đàn bầu, đàn nhị, đàn nguyệt, đàn tam, đàn tứ, khèn Lào, các loại sáo, tiêu... Trong đó, đàn bầu và đàn nhị là hai loại nhạc cụ mà ông chơi điêu luyện về mặt kỹ thuật, sâu lắng về mặt cảm xúc nhất.
Ông Hưng cho biết: “Nhà tôi nghèo lắm, không có tiền mua nhạc cụ, tôi phải tự tìm tòi học hỏi cách chế tạo. Mỗi khi thấy người lớn trong bản vào rừng vót tre, nứa... để làm nhạc cụ là tôi lại xin theo, nhìn và bắt chước, làm dần dần rồi thành quen tay và thạo nghề".
Vốn là thợ mộc, ngoài việc chính, ông Hưng dành thời gian rỗi để thỏa mãn đam mê với những đứa con tinh thần. Đôi khi chỉ là quả bầu khô rút hết ruột để khô là ông có thể biến thành nhạc cụ. Ông Hưng chia sẻ bản thân tự mày mò, làm được khá nhiều loại nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Thái, rồi các loại sáo, đàn ghi ta, ghi ta điện hiện đại... Nhưng theo ông Hưng, làm đàn bầu và khèn bè của Lào là cầu kỳ và phức tạp nhất.
Tiếng đàn, tiếng sáo réo rắt, khi trầm, lúc bổng, da diết khiến người nghe trầm trồ, thích thú. Tiếng đàn được ông Hưng gảy lên trong những đêm thanh bình ở làng quê, làm gắn kết tình làng nghĩa xóm. Rồi những đêm sinh hoạt văn nghệ tại địa phương, ông được mời biểu diễn cho bà con gần xa thưởng thức. Qua đó, tài năng của ông ngày một vang xa.
Trăn trở bảo tồn nhạc cụ dân tộc
Với niềm đam mê âm nhạc, ông Kha Văn Hưng đã thành lập đội nhạc cụ trong bản, do ông làm đội trưởng. Đội nhạc được ông thành lập với mục đích lan tỏa những nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc. Cứ mỗi tối thứ 7 hàng tuần, căn nhà nhỏ của ông Hưng lại âm vang những tiếng đàn ca, tiếng hát do các thành viên trong đội nhạc cụ biểu diễn.
Trong bối cảnh hiện tại, nhạc dân tộc đang bị mai một theo thời gian, số người đam mê nhạc cụ dân tộc ngày càng hiếm. Điều đó làm ông luôn trăn trở, canh cánh trong lòng, thôi thúc ông truyền dạy nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ.
“Điều tôi mong mỏi lớn nhất là thế hệ trẻ trong bản tiếp nối truyền thống cha ông để giữ gìn bản sắc văn hóa. Hiện nay, thanh thiếu nhi trong bản vẫn chưa thật sự có niềm đam mê với những nhạc cụ truyền thống. Nếu như có người học tôi sẵn sàng dạy cho các cháu”, ông Hưng trăn trở.
Bằng tình yêu và tâm huyết, những “thanh âm dân tộc” đã theo ông đi qua những gian nan của cuộc sống. Cho đến hôm nay, khi tóc đã ngả màu hoa râm, ông vẫn ngày đêm miệt mài với các nhạc cụ dân tộc với mong muốn góp phần giữ gìn, phát huy, và trao truyền những giai điệu bản sắc dân tộc để những thanh âm đó được mãi ngân xa.
Ông Vi Văn Thắng – Chủ tịch UBND xã Tam Đình (huyện Tương Dương, Nghệ An) - cho biết: "Ông Kha Văn Hưng là thành viên của đội nhạc truyền thống bản Quang Phúc với biệt tài tự sáng chế và chơi được nhiều nhạc cụ dân tộc. Từ lâu, căn nhà của ông là nơi để bà con thỏa niềm đam mê ca hát, gắn kết với nhau. Thời gian qua, chính quyền xã và trung tâm văn hóa huyện luôn quan tâm, tạo điều kiện để ông Hưng phát triển niềm đam mê và đặc biệt là truyền dạy cho những người trẻ học nhạc qua đó góp phần bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa của dân tộc".