Ngày 'đèn đỏ' chị em được nghỉ làm việc thêm 30 phút
Nghị định 85 quy định lao động nữ được nghỉ 30 phút trong thời kỳ kinh nguyệt sắp có hiệu lực vào ngày 15/11. Đây là lần đầu tiên lao động nữ được thêm 30 phút nghỉ ngơi trong ngày "khó ở". Tuy nhiên, chị Nguyễn Thị Thắm, công nhân dệt may ở Khu Công nghiệp Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội), cười bảo không quan tâm lắm đến điều này, bởi hàng năm công nhân có ngày nghỉ phép, nghỉ lễ còn bị bớt xén, huống chi là nghỉ 30 phút cho ngày "đèn đỏ".
Chị Thắm kể, công nhân dệt may ngồi bên máy khâu cả buổi, chỉ rời chỗ làm lúc đi ăn cơm, vệ sinh. Ăn cơm xong được nghỉ một lúc rồi lại làm tiếp, không có thời gian tranh thủ chợp mắt chứ đừng nói là được nghỉ 30 phút khi đến chu kỳ. Nhiều khi mệt ốm họ cũng gượng đi làm, không đi thì bị trừ tiền. "Có hôm xin nghỉ 30 phút để về sớm cũng vấp phải sự khó chịu của tổ trưởng, đốc công. Chưa kể sếp là nam, làm sao mình dám nói là em đến kỳ rồi, cho em nghỉ", chị chia sẻ.
Chị Ngọc Huyền, nhân viên truyền thông ở Cầu Giấy (Hà Nội) thấy thú vị với quy định này. Thực tế đến ngày "đèn đỏ", giới văn phòng như chị vẫn có thời gian nghỉ ngơi, thay đồ khi thấy bất tiện, dù công ty không có quy định. Công việc không yêu cầu gắt gao về giờ giấc, miễn hoàn thành xong vào cuối ngày nên dù có nghỉ 30 phút hay không thì cũng không ảnh hưởng lắm đến chị Huyền.
"Mình thấy quy định hay nhưng với cường độ làm việc lớn như hiện nay ở các công ty rồi nó cũng sẽ chìm nghỉm giữa hàng nghìn quy định khác và khó ai thực hiện", chị Huyền nói và cho rằng chị em đến kỳ hành kinh có thể đau bụng, đau lưng khủng khiếp, vậy nên "30 phút chưa bõ bèn gì". Thay vì cho nghỉ với thời gian hạn chế như vậy thì nên cộng dồn, quy thành một ngày nghỉ trong năm cho lao động nữ.
Đứng ở góc độ quản lý, chị Mai Ánh Hồng, quản lý của công ty liên doanh về đồ điện tử ở Bắc Ninh đánh giá, quy định sẽ không có mấy giá trị đối với nơi có hơn 5.000 công nhân nữ, làm việc theo dây chuyền liên tục như công ty chị. Vị quản lý phân tích, chu kỳ sinh lý của chị em tháng nào cũng đến. Tính thử, nếu dây chuyền đang sản xuất tự dưng có công nhân xin nghỉ 30 phút thì một khâu sẽ bị chững lại, kéo theo những khâu khác. Năng suất lao động giảm đi, sản phẩm làm ra không đủ doanh số, ông chủ không đồng ý.
Bên cạnh đó, chị Hồng đặt câu hỏi nếu bị bệnh thì có giấy khám bệnh, nhưng kỳ kinh nguyệt thì lấy gì để chứng minh? Nhiều người có chu kỳ không đều, lần này đầu tháng, lần sau giữa tháng. "Nếu có sổ theo dõi cũng không chính xác và không ai làm công việc thừa thãi đó cả. Chu kỳ là điều kín đáo, chị em còn ngại nói với chồng, với người thân, làm sao nói cho quản lý biết, nhất là sếp nam", chị Hồng nói và cho biết, doanh nghiệp nào cũng có phòng y tế. Các nữ công nhân đau bụng, đau lưng quá có thể xuống đó nghỉ 30 phút hoặc xin thuốc uống. Điều này là linh động trong công ty và quản lý cho phép.
Anh Doãn Bình Minh, giám đốc công ty chuyên về thiết kế nội thất cho biết, công ty anh có hơn 30 lao động, một nửa là phụ nữ. Việc cho chị em nghỉ 30 phút khi đến kỳ kinh nguyệt "có vẻ hơi kỳ lạ". "Nhiều khi các chị xin nghỉ làm chút việc riêng, mình vẫn cho, hoặc không cho nhưng họ vẫn nghỉ, bảo đau bụng, chẳng lẽ mình lại hỏi? Chưa kể tháng nào cũng có chị em đến kỳ, nếu cứ lần lượt lên báo cáo thì đau đầu lắm. Có người xin nghỉ thật, nhưng có người gian lận giờ thì sao? Chẳng lẽ lại đánh dấu kỳ kinh nguyệt của chị em vào sổ rồi từ đó về sau, cứ thế mà cho nghỉ à?", anh Minh hóm hỉnh đặt câu hỏi.
Bà Trương Thanh Hằng, Trưởng ban nữ công Tổng liên đoàn lao động cho biết, việc nghỉ này đã có trong Điều 155, Bộ Luật Lao động 2012. Nghị định 85 làm rõ hơn việc được nghỉ 30 phút trong 3 ngày, cụ thể hóa để doanh nghiệp thực hiện thuận lợi hơn. "Đây là quy định rất nhân văn, thể hiện sự quan tâm đối với lao động nữ", bà Hằng nói.
Theo bà, trên thực tế từ khi chưa có quy định này thì một số doanh nghiệp đã đưa vào trong thỏa ước tập thể nhưng không nhiều. Doanh nghiệp nào thực sự quan tâm đến lao động nữ thì tính 3 ngày và tính theo lương thời gian. Để quy định thực sự phát huy lợi ích thì phải doanh nghiệp phải đưa vào nội quy thông qua thỏa ước lao động tập thể, có sự giám sát của công đoàn.
"Việc thực hiện tùy theo điều kiện từng doanh nghiệp. Nếu không áp dụng quy định cho lao động nữ nghỉ ngơi, doanh nghiệp có thể tính theo lương thời gian. Quy đổi trong thời gian nghỉ ngơi 30 phút, lao động làm được bao nhiêu sản phẩm rồi quy ra tiền đưa vào lương cho họ", bà Hằng nói.
Nghị định 85 của Chính phủ quy định lao động nữ trong thời gian hành kinh được nghỉ mỗi ngày 30 phút, tối thiểu 3 ngày trong tháng. Trong thời gian nghỉ, người lao động vẫn được hưởng đủ số tiền lương theo hợp đồng lao động. Thời gian nghỉ cụ thể do người lao động thỏa thuận với người sử dụng lao động, phù hợp với điều kiện thực tế tại nơi làm việc và nhu cầu của lao động nữ. Nghị định có hiệu lực từ ngày 15/11.