Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam chưa thực sự là điểm đến du lịch.
Dang dở, tiêu điều...
Văn phòng Chính phủ ra thông báo kết luận ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam nếu tiếp tục theo mô hình hiện tại sẽ khó khăn trong việc huy động nguồn lực đầu tư từ xã hội, không thể có đột phá trong hợp tác và triển khai hoạt động, vì vậy sẽ không hiệu quả. Cho tới khi đề án được phê duyệt, Chính phủ đồng ý tiếp tục cơ chế chính sách với BQL hiện tại.
Nhà nước đầu tư hơn 3 nghìn tỷ đồng vào ngôi làng văn hóa quy tụ 54 dân tộc Việt Nam, tuy nhiên thực trạng khiến nhiều người xót xa. “Tôi thấy ý tưởng ban đầu hay. Làng giống như Việt Nam thu nhỏ với nhiều dân tộc. Mỗi khu dân tộc trưng bày nếp nhà, ngày hội có hoạt động dân ca dân vũ, có trình diễn tập tục và trò chơi dân gian. Tuy nhiên tôi và du khách thấy khu này chưa được quản lý tốt, nhất là khâu bảo trì. Ngoài khu tháp Chăm còn bề thế đẹp đẽ, nhiều công trình xuống cấp nghiêm trọng. Công tác quản lý rõ ràng chưa chuyên nghiệp. Những ngày lễ hội rất đông du khách nhưng vẫn lộn xộn, chưa tạo hiệu ứng”, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó Giám đốc Cty TransViet Travel nói.
Một số Cty du lịch từng đưa khách tới Làng đều phản hồi về vẻ tiêu điều, xơ xác và nhiều chỗ luộm thuộm. Không nói tới công trình dang dở và được đầu tư manh mún, đại diện các Cty du lịch đánh giá thời gian gần đây các hoạt động nhân dịp lễ tết đang lặp lại: Tái hiện tết của một số đồng bào dân tộc, phiên chợ vùng cao. “Thi thoảng tôi lên dịp ngày hội dân tộc nhưng lộn xộn lắm. Phiên chợ vùng cao nghe thì hay nhưng lèo tèo, chẳng thấy mấy đặc sản mà toàn nước mía, trà đá với xúc xích rán”, ông Đạt nói. Ông Nguyễn Công Hoan, Phó TGĐ Cty Hanoi Redtours nhận xét, các hoạt động này chỉ mang tính thời điểm, không thường xuyên liên tục nên các công ty du lịch khá bị động khi sắp xếp tua khám phá cho du khách.
Phải thay đổi
Ông Lâm Văn Khang, Trưởng Ban Quản lý Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam cho rằng việc chuyển đổi này do Nghị định mới của Chính phủ quy định chức năng hoạt động của Bộ VHTT&DL. “Không phải đến bây giờ mô hình BQL Làng mới được báo cáo Thủ tướng. Bộ từng tổng kết mô hình BQL để đánh giá thuận lợi, khó khăn. Mỗi mô hình phù hợp một giai đoạn, mô hình này cần được nghiên cứu cho giai đoạn sau này”, ông Khang nói.
“Một thiết chế văn hóa lớn như Làng để duy tu rất tốn tiền, không thể tiếp tục mô hình này. Tôi nghĩ rằng nếu Nhà nước cho xã hội hóa, đây có thể thành điểm hoạt động du lịch có thu, Nhà nước hỗ trợ đầu tư ban đầu. Nhà đầu tư khi ấy tuân thủ nguyên tắc Làng là nơi giới thiệu bảo tồn giá trị văn hóa, đầu tư thêm, làm sâu sắc hơn và khai thác bằng bán vé”, ông Nguyễn Công Hoan nêu ý tưởng.
Một trong những bất cập hiện tại khi các Cty du lịch đưa khách về Làng là thiếu cơ sở hạ tầng phục vụ du khách nhu cầu ăn uống, nghỉ dưỡng. “Công trình như thế mà rơi vào tư nhân làm sẽ tốt hơn nhiều. Hiện Làng vẫn chỉ là nơi dành cho sinh viên, học sinh và các gia đình quanh vùng đến chơi cuối tuần, chưa thành điểm du lịch trong khi nó có tiềm năng trở thành điểm đến của du khách trong ngoài nước”, ông Nguyễn Tiến Đạt nhận xét. Không ít ý kiến từng đề xuất chuyển đổi công năng một số công trình thành nơi lưu trú cho du khách, trải nghiệm với văn hóa của đồng bào.
PGS.TS Đặng Văn Bài ủng hộ chủ trương thay đổi tư duy, tạo điều kiện “công tư kết hợp”. PGS Bài cho rằng, với việc phân khu chức năng, Nhà nước nên có cơ chế mời các đơn vị có điều kiện đầu tư tiếp theo chủ trương “làm cho văn hóa thấm sâu vào kinh tế, làm kinh tế thì sản phẩm phải có hàm lượng văn hóa”. Ông cũng nói thêm, mô hình BQL Làng hiện nay học của Hàn Quốc, tuy nhiên Hàn Quốc chuyển đổi mô hình rồi.
Thủ tướng giao Bộ VHTT&DL khẩn trương hoàn thiện đề án chuyển đổi mô hình BQL Làng, lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý văn hóa và báo cáo Thường trực Chính phủ cuối quý 1/2018.