Lãng phí và nguy hiểm từ dự án bạc tỷ

TP - Toàn bộ số tiền gần 54 tỷ đồng do Tổng cục Du lịch Việt Nam đầu tư cho công trình Khôi phục, nâng cấp đường Hồ Chí Minh huyền thoại, dài gần 42 km qua 3 xã Tà Long, Ba Nang, Húc của 2 huyện Đakrông và Hướng Hóa (Quảng Trị) đã được thanh quyết toán xong. Thế nhưng, bây giờ con đường không chỉ rơi vào quên lãng mà còn gây nguy hiểm...

> Khởi công dự án bảo tồn đường Hồ Chí Minh trên biển
> Xăng và máu

Đường xuống cấp nghiêm trọng sau khi hoàn thành không lâu. ẢNH: H.T.

Theo thiết kế (và cũng là đề nghị) của Tổng cục Du lịch, riêng 4km đường từ km35 đến km39 phải giữ nguyên hiện trạng cũ nhằm khôi phục đường Hồ Chí Minh trước đây để phục vụ trực tiếp cho đề án phát triển du lịch.

 Dự án Khôi phục và nâng cấp đường Hồ Chí Minh huyền thoại ở Quảng Trị có mục tiêu giúp đồng bào đi lại thuận lợi và hút khách tham quan tìm hiểu một thời “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, song mục đích đó hiện là… zêrô! 

                                    Chủ tịch UBND xã Tà Long Hồ Văn Diên

Gần 38km còn lại, từ Khe Sanh qua Sa Trầm (huyện Hướng Hóa) sẽ nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cấp 5 miền núi, láng nhựa hoàn toàn. Thế nhưng, trong quá trình thực hiện, các đơn vị liên quan đã không theo thiết kế ban đầu.

Bốn cây số đường cần khôi phục và giữ nguyên hiện trạng cũ đã bị Cty Cổ phần miền Trung phá nát hoàn toàn. Sau đó, Cty sửa sai bằng việc đổ lên đó lớp đá trắng (chỉ cần nổ mìn phá núi là có loại đá này). Sau đợt kiểm tra cuối năm 2006, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị buộc đơn vị thi công láng nhựa luôn đoạn đường này.

Tóm lại, gần 38km này sau khi thi công xong, cho đến nay (11/4), chỗ láng nhựa, chỗ bêtông, chỗ rải đá dăm nham nhở.

Bên cạnh một số đoạn đường do thế hệ thanh niên xung phong trước đây lát cuội xanh, cuội đỏ bị phá nát, số rải nhựa bây giờ cũng xuống cấp, hư hỏng nặng. Thay vì thi công mặt đường đá dăm dày 12cm, láng nhựa tiêu chuẩn 5kg/m2 trên lớp đá dăm là 15cm, đơn vị thi công chỉ láng 3 -5cm, đường dân sinh cũng khó đi lại được.

Bà Pí Hê nói: “Mấy lần miềng ngã nặng vì con đường ni”.

Theo Ban Quản lý các khu du lịch tỉnh Quảng Trị, dự án đã bàn giao cho BQL, song hiện không biết sử dụng vào mục đích gì. Chủ tịch xã Tà Long Hồ Văn Diên cho hay, đoạn đường của dự án qua ba thôn của xã là Ly Tôn, Sa Ta, Chai rất tệ, hư hỏng quá nặng, xe máy không dám đi một mình mà phải hai người để lúc sa lầy có người phụ đẩy.

“Mấy ông trên tỉnh, trên huyện lâu nay không vô được bởi ôtô bất lực. Đúng là con đường… đau khổ, niềm vui chưa trọn thì nỗi thất vọng ập đến, có đường mới, đường nhựa mà đi lại khổ vạn lần so với đường cũ. Bao nhiêu vụ tai nạn xảy ra rồi đó”, ông Hồ Văn Diên than thở. Tình cờ gặp Pí Hê ở thôn Sa Ta (Tà Long) gùi achói đi rẫy, hỏi chuyện, người phụ nữ Vân Kiều này kêu trời: “Khổ quá mấy cán bộ ơi, miềng lên nương qua con đường ni mấy lần bị ngã nặng đau điếng”.

Dự án đường Hồ Chí Minh huyền thoại được UBND tỉnh Quảng Trị phê duyệt đầu tư bằng Quyết định 1493 ngày 23/7/2002 với tổng kinh phí gần 54 tỷ đồng từ nguồn của Tổng cục Du lịch, do Sở Thương mại-Du lịch Quảng Trị làm chủ đầu tư, thời gian thực hiện từ 2002 đến 2005. Công trình khởi công tháng 7/2002, do Cty TNHH Kim Sơn, Cty TNHH xây dựng số 1, Cty Cổ phần miền Trung, Cty Cổ phần xây dựng giao thông Thừa Thiên-Huế đảm trách thi công.

Theo Báo giấy