> Học sinh Việt Nam tụt dốc trong Olympic quốc tế
Lần đó các em đều phải tự lo 1 triệu đồng để may complet trong khi hoàn cảnh gia đình đa số rất khó khăn, còn phía Bộ GD & ĐT chỉ định một hiệu may sao cho thống nhất về màu sắc và kiểu dáng mà thôi. Sau bài báo “Đội tuyển Toán VN: Những chuyện cảm động và ngậm ngùi…” đăng trên Tiền Phong, nhiều tấm lòng hảo tâm đã gửi tiền ủng hộ, giúp đỡ các em.
Thời người Việt còn kinh doanh phát đạt tại các khu chợ ở Đông Âu, tôi có ghé khu chợ Tứ Hổ ở Budapest (Hungary), thấy có quá nhiều thạc sĩ, tiến sĩ ra chợ, người kinh doanh quần bò, người bán mũ vải, giầy dép...
Một tiến sĩ chua chát nói “ người Việt ở chợ này thuộc diện có học nhất chợ”. Khi ấy đi giữa cái chợ xứ người này, tôi chợt nghĩ, không hiểu trong lịch sử dân tộc mình, đã có cái chợ nào mà tập trung nhiều “ông nghè, ông cống” đến thế chưa ? Xin lưu ý, đa phần những “ông nghè, ông cống” nói trên đều từ xuất thân các trường phổ thông chuyên toán cấp tỉnh, cấp bộ nổi tiếng ở trong nước một thời.
Kể chuyện này để thấy, dường như một thời do những hoàn cảnh khó khăn nhất định, chúng ta đã để lãng phí chất xám, lãng phí những tài năng toán học, dẫu công sức vun trồng không hề nhỏ. Đó là hệ thống các trường chuyên toán từng phát triển rất mạnh.
Thời bao cấp, học sinh được tiền học bổng, được cấp tới 21 kg gạo mỗi tháng (gần gấp đôi so với cán bộ nhà nước), có sách giáo khoa riêng dành cho khối chuyên toán, được các thầy giỏi nhất dạy dỗ. Điều này lý giải vì sao ngay từ những năm đầu dự thi Olympic toán quốc tế, chúng ta đã có những Hoàng Lê Minh, Lê Bá Khánh Trình với những thành tích vang dội.
Tiếc rằng, không ít các tài năng toán học một thời đã rẽ ngang, đã im hơi lặng tiếng, thậm chí đi du học rồi ra chợ xứ người mưu sinh.
Giờ đây khi nói về hiện tượng đội tuyển IMO Việt Nam ngày càng tụt hạng sâu, GS Ngô Bảo Châu, một trong những tài năng toán học hiếm hoi thành danh từ cái nôi chuyên toán một thời, lo ngại: “Trước đây, có thể chúng ta có một số ảo tưởng cho rằng thành tích các kỳ thi Olympic phản ánh trình độ khoa học của quốc gia, của trí tuệ dân tộc và rồi đặt lên đầu đội tuyển IMO những vầng hào quang tưởng tượng. Những ảo tưởng đó nay về cơ bản không còn nữa. Nhưng tôi hơi lo rằng chúng ta đang đánh đổi một ảo tưởng cũ lấy một ảo tưởng mới về giá trị tuyệt đối của ngoại ngữ, của kỹ năng giao tiếp xã hội, của nghiệp vụ thương mại...”.
Những lo ngại của GS Ngô Bảo Châu là hoàn toàn có cơ sở. Song nếu ngược dòng thời gian để nhìn lại, sẽ thấy hiện tượng giảm sút phong trào học toán, không thiết tha với việc đội tuyển quốc gia nữa, không chỉ do quan niệm có phần thực dụng hôm nay mà còn có nguyên nhân sâu xa từ sự thành công hay thất bại của những thế hệ tài năng toán học đi trước.
Chỉ riêng thành công của GS Ngô Bảo Châu chắc chắn chưa đủ, nếu chúng ta không có những chính sách đúng đắn và đủ mạnh để phát hiện, bồi dưỡng và sử dụng những tài năng toán học nói riêng và khoa học cơ bản nói chung - điều tối cần thiết cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nước nhà.