Làm thơ, sáng tác khúc hát ru tặng con
> Trần Tiến: Đàn ông làm phụ nữ cũng hay…
Có thể nói, Hà Trần là người kiệm lời, ngại truyền thông dù đã nhiều lần về Việt Nam biểu diễn, phát hành album và ra tập thơ...
Trở về Việt Nam lần này, Hà Trần chỉ có ba ngày tập luyện trước đêm diễn Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ. Bận rộn, nhưng chị vẫn dành thời gian chia sẻ về con đường âm nhạc và chuyện những ngày đầu làm mẹ ít ai biết của một diva.
Sinh con rồi, tôi thấy thương mẹ
Chị thấy cuộc sống của mình như thế nào từ khi bé Nala Yến Đoàn chào đời?
Trước khi có con, tôi nghĩ đơn giản sinh xong nhờ gia đình trông nom hoặc thuê người giúp việc để tiếp tục đi diễn. Giờ thì không thế được. Mỗi lần đi diễn, tôi thấy đó là sự hy sinh vì mình sẽ bỏ lỡ nhiều giai đoạn phát triển của con và con cũng thiệt thòi vì không được gần mẹ, khó gắn bó với mình.
Thế nên tôi luôn cố gắng bù đắp cho con mỗi khi có thể! Con tôi khi chào đời khóc rất to, nhưng nghe thấy tiếng mẹ là nín luôn. Dường như nó thấy yên tâm và bớt hoảng sợ.
Tôi cố gắng để bé có một tuổi thơ ổn định, di chuyển nhiều không tốt cho tâm lý của bé. Gia đình thương nhau thì bé sẽ hạnh phúc, vui vẻ và luôn trong trẻo. Còn sự phát triển sau này của cháu như thế nào tùy thuộc vào tính cách của con.
Trần Thu Hà hay còn gọi là Hà Trần, là con gái nhạc sĩ Trần Hiếu, cháu gái nhạc sĩ Trần Tiến, là một trong 4 diva của làng nhạc Việt. Tháng 1.2004, chị theo chồng là nhạc sĩ Bình Đoàn sang Mỹ định cư.
Nhiều năm gần đây, Hà Trần nhiều lần về Việt Nam biểu diễn, mới đây chị hát trong đêm nhạc “Đốt lên thành lửa” và ra mắt tập thơ “Hà Trần - Thập kỷ yêu”.
Tháng 12-2011, vợ chồng Hà Trần đã đón cô con gái đầu lòng Nala Yến Đoàn (Cái tên Nala được Hà Trần cho biết mang nhiều ý nghĩa đẹp như “hòa bình”, “thành công”, “con gái cưng”, “nữ hoàng”, “quà tặng của tạo hóa”).
Chị thường đi diễn xa, chồng chị có phải là người đàn ông đảm việc nhà và chăm con không?
Ở Việt Nam, đàn ông không chăm con vì xã hội mặc nhiên cho rằng đó là việc của đàn bà. Chính chị em cũng bị “đóng đinh” vào đầu như thế nên nếu để chồng chăm sóc con, họ lại thấy không tròn bổn phận. Chỉ một số ít những người như tôi thiết lập một “xã hội nhỏ” phù hợp với lối sống cá nhân.
Chúng tôi cùng nuôi con, khi người này bận thì người kia thay thế. Mẹ chăm sóc bé thì bố sẽ tìm hiểu thông tin và tạo điều kiện cần thiết để bé phát triển. Tôi không muốn so sánh với các gia đình khác vì “mỗi nhà mỗi cảnh”.
Vậy “hoàn cảnh” hiện tại của nhà chị thế nào từ khi có thêm thành viên mới?
Đó là một sự thay đổi lớn! Tất cả mọi sự quan tâm, ưu tiên của tôi đều đặt vào bé. Tôi hiểu ra nhiều điều trước đây không để ý đến. Một đứa trẻ ra đời có thể làm cho người lớn gần gũi nhau hơn, nhưng đồng thời chỉ ra sự bất đồng giữa các thế hệ về cách nuôi dạy con.
Quan niệm nuôi dạy con cái ở Mỹ rất khác so với Việt Nam. Các cặp vợ chồng hầu hết đều tự lập, ít dựa dẫm. Bé cũng sớm tự lập, tham gia nhiều hoạt động thể chất hơn.
Nuôi con nhỏ bận là chắc rồi, nhưng tôi thấy cuộc sống chỉ thú vị với những hành trình, những vai trò mới mẻ. Ngay từ đầu, chúng tôi đã lên lịch sinh hoạt nên cả nhà có nhiều khoảnh khắc vui với nhau.
Tôi có mệt nhưng không quá đầu tắt mặt tối hay stress như nhiều người nói. Còn chồng tôi đã quen với công việc quản lý nên sắp xếp gia đình rất tốt. Trong nhà, vợ có thể làm nội tướng, nhưng trụ cột vẫn phải là chồng.
Khi đã làm vợ, làm mẹ rồi, chị có hay nghĩ đến mẹ của mình không?
Tôi thấy thương mẹ, giờ mới hiểu cụ thể những vất vả của người phụ nữ gia đình, nhất là khi tôi còn nhỏ, bố hay đi diễn xa. Ngày đó, các dì bảo tôi là đứa trẻ dễ tính, vứt cho ai bế cũng được. Bố mẹ thường để tôi ở nhà cho bà ngoại, các dì trông nom để đi làm.
Con gái tôi không như thế, có chơi với ai cũng được vài tiếng, sau đó lại nhớn nhác tìm bố mẹ, lúc đó mới thấy con mong manh nhỏ bé làm sao.
Là ca sĩ, chị có tự hát ru con hay… mở đĩa như các bà mẹ trẻ hiện đại?
Tôi hát ru những bài tôi viết cho bé. Cá khúc Hát ru ngày đông, Nala nghe quen từ trong bụng, sau này cứ lúc nào bé khóc quấy, tôi hát lên là bé bớt lèo nhèo ngay, rất hiệu nghiệm.
Tôi cũng cho con nghe các ban nhạc kinh điển quốc tế. Khi Nala lớn hơn, biết thuộc nhạc, tôi sẽ hát cho bé nghe những bài dân ca Việt.
Trần Tiến vừa khóc, vừa mếu khi hát Quê nhà
Ca từ trong âm nhạc Trần Tiến (ví dụ như bài Quê nhà) đậm chất folklore (dân gian), chị có dùng nhạc của chú mình để hát ru con?
Nhạc chú Tiến bám sát văn hóa dân gian, lời ca chứa nhiều điển tích, đậm chất Bắc bộ nhưng vẫn có tinh thần lãng tử, giang hồ.
Tôi thấy hát “ra bài” này không đơn giản, người hát được ra chất Trần Tiến phải có vốn sống, văn hóa. Nếu thiếu đi những yếu tố này thì chỉ hát được vài bài thôi.
Còn đúng là mỗi lần nghe, hát Quê nhà, tôi lại nhớ hình ảnh chú vừa đàn vừa... mếu. Chú hay khóc lắm, cứ hát bài nào mới viết về gia đình, quê hương là khóc.
Chị hiểu âm nhạc của chú mình vậy, có phải do “gần nhau về gen” không?
Chương trình Trần Tiến - Như chờ từng giấc mơ vào tối 11 và 12-8 tới đây tại Cung Hữu nghị Hà Nội. Chương trình này còn có sự tham gia của ca sĩ Tấn Minh và Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức, và ban nhạc Anh Em.
Tôi và chú không chỉ gần gũi trong âm nhạc mà còn gần gũi trong tư tưởng, quan niệm sống. Có điều mọi người ít tin nổi, là chúng tôi rất ít khi trao đổi với nhau. Nếu nói người thân là phải liên lạc tâm sự thường xuyên thì chúng tôi không thế.
Chúng tôi đều bận rộn với thế giới riêng nhưng có dịp hiếm hoi nói chuyện là tôi biết cả hai luôn song hành, dù mỗi người đang đeo đuổi những chuyện khác nhau.
Tôi gần gũi chú về tinh thần còn hơn cả bố Trần Hiếu. Tôi tin rằng mình hiểu nhạc Trần Tiến nhất, đó là một gia tài không khai thác thì quá uổng phí, mà cũng... kén người khai thác.
Làm sao để thể hiện đúng chất “đời”, tinh thần Việt trong âm nhạc Trần Tiến là thách thức cho người hát. Nhạc Trần Tiến không “salon”, không đậm chất công sở văn phòng, không “xập xình high-tech” như nhiều dòng nhạc khác.
Giả tạo cảm xúc khi hát Trần Tiến rất nguy hiểm, nó có thể khiến người hát lộ ra những điểm rỗng văn hóa và thiếu kinh nghiệm sống.
Thế nhưng nhạc Trần Tiến dương tính còn chị thì âm tính. Chị có phải gồng lên để dương tính mỗi khi xử lý ca khúc của ông?
Tôi không thấy yếu tố âm-dương là điều cản trở. Có điều, nhiều bài là tiếng nói của người đàn ông thì tôi không hát được, phải nhường cho các nam ca sĩ, chẳng hạn như những bài tán tỉnh phụ nữ, chùm ca khúc giễu cợt xã hội hóm hỉnh... Và ngoài tác giả, đáng tiếc là vẫn chưa tìm ra một giọng nam nào đủ phong trần, đủ đàn ông cho nhạc Trần Tiến.
Chị có buồn không khi chỉ có mình chị mới hát hay nhạc Trần Tiến?
Sao lại buồn nhỉ, chỉ đáng buồn khi mình hát nhạc người khác hay hơn nhạc chú mình chứ? Tuổi thọ âm nhạc của nhạc sĩ dài lắm! Có thể hôm nay tôi được coi là hát nhạc Trần Tiến hay nhất, nhưng có thể tương lai sẽ có người hát hay hơn tôi.
Quan trọng là ca sĩ phải chịu dấn thân với một trường phái âm nhạc, dù đã có những mốc son trước đó nhưng nếu không dè dặt thì họ sẽ có thành công mới.
Cảm ơn chị đã chia sẻ!