Làm thế nào để đại học 'đẻ' ra tiền?

TP - Học phí không còn là nguồn thu duy nhất của các trường đại học (ĐH). Nhưng làm thế nào để các trường ĐH có thể “đẻ” ra tiền là bài toán không đơn giản.
Phòng thí nghiệm “nuôi” nghiên cứu sinh do nhóm nghiên cứu của PGS.TS Vũ Ngọc Pi tự bỏ kinh phí đầu tư Ảnh: Diệp An

Năm 2018, PGS.TS Vũ Ngọc Pi, Hiệu phó trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên, thành lập nhóm nghiên cứu gồm 20 thành viên, trong đó có 10 tiến sĩ, phó giáo sư đến từ nhiều trường ĐH. Các cơ sở giáo dục ĐH không thể có điều kiện để trang bị mỗi nhóm nghiên cứu một phòng thí nghiệm với đầy đủ các loại máy móc theo yêu cầu. Các nhóm nghiên cứu thường sử dụng chung cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị nên nhiều khi phải chờ trong nhiều ngày, thậm chí nhiều tháng để đến lượt.

Vì vậy, nhóm quyết tâm tự bỏ tiền túi đầu tư xây dựng phòng thí nghiệm riêng với các loại máy móc hiện đại để thuận lợi trong việc nghiên cứu. Nhằm tạo động lực, sức mạnh tập thể, nhóm có chế độ riêng động viên các nghiên cứu viên, nghiên cứu sinh. Theo đó, học viên cao học không phải đóng tiền làm thí nghiệm, được sử dụng máy móc miễn phí; các nghiên cứu sinh tham gia làm thí nghiệm được hỗ trợ tiền công bồi dưỡng.

Thời gian qua, nhóm đã thực hiện thành công một số đề tài cấp bộ, cấp tỉnh và gần 20 đề tài cấp cơ sở, phần lớn các đề tài đều phục vụ khoa học, sản xuất. Ông Pi nói rằng, khoảng 90% mẫu vỏ thuốc ở khu vực phía Bắc đều ra lò từ phòng thí nghiệm của nhóm. TS Chử Mạnh Hưng, đại diện nhóm nghiên cứu, Viện Đào tạo quốc tế về khoa học vật liệu, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, nói rằng, bên cạnh chính sách khoa học, công nghệ của trường, nhóm chủ động tìm kiếm đề tài, dự án từ nguồn ngân sách nhà nước, doanh nghiệp.

Ðào tạo, nghiên cứu sát thực tế

Theo ông Pi, trường ĐH Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Thái Nguyên đã tạo cơ chế mở, khuyến khích nhóm liên kết với doanh nghiệp mở phòng thí nghiệm, cấp kinh phí cho nhóm thông qua các đề tài, có thưởng khi nhóm có công bố quốc tế. Nhóm cũng chủ động thiết kế nghiên cứu dựa trên nhu cầu của doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp tăng năng suất, chất lượng sản phẩm.

GS.TS Phạm Hồng Quang, Giám đốc ĐH Thái Nguyên, khẳng định, nếu trước kia đào tạo chưa sát với thực tế, nghiên cứu còn dựa trên nhiều ý tưởng viển vông thì ngày nay muốn phát triển bền vững, cả đào tạo và nghiên cứu phải bám sát nhu cầu thực tiễn của xã hội.

Tìm hiểu của phóng viên cho thấy, với chương trình đào tạo theo hướng tăng cường thực hành, trang bị kỹ năng cho sinh viên của trường ĐH Nông lâm, ĐH Thái Nguyên, nhiều bạn trẻ không chỉ tự tin hơn với kiến thức của mình mà còn có thể kiếm thêm thu nhập. Lê Trường Giang, sinh viên năm cuối ngành Khoa học cây trồng trường ĐH Nông Lâm, đang triển khai đề tài nghiên cứu sự phát triển của hoa dựa bầu. Công việc chính của Giang những ngày này là chăm sóc, làm giá thể để đóng vào các bầu trồng hoa. Từ việc bán các chậu hoa, Giang có thể kiếm được 3-5 triệu đồng/tháng.

PGS.TS Nguyễn Thúy Hà, Phó trưởng phòng Đào tạo trường ĐH Nông Lâm, cho hay, những vườn hoa như của Giang đang được thực tập trong trường là sản phẩm của chương trình giáo dục ĐH định hướng nghề nghiệp - ứng dụng. “Khung chương trình theo định hướng hướng nghiệp nên tăng cường phần thực hành, thay vì đa phần là lý thuyết như trước đây. Theo chương trình này, sinh viên được đào tạo kỹ năng nghề rất nhiều”, bà Hà nói.

PGS.TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội, cho rằng, Nhà nước cần có định hướng để các nhà khoa học căn cứ vào đó đẩy mạnh hướng nghiên cứu tạo ra các sản phẩm hữu ích.

“Cần hơn những giải pháp áp dụng được ngay, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Xu hướng nên là Nhà nước, doanh nghiệp, thành phố cần gì thì đặt hàng các nhà khoa học, như thế mới tránh lãng phí”, ông nói.

Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, nguồn thu từ doanh nghiệp, dịch vụ khoa học và công nghệ chỉ tập trung ở một số ít trường ĐH kỹ thuật công nghệ. Trong giai đoạn 2011-2015, có 1.729 hợp đồng chuyển giao công nghệ được ký kết và thực hiện, tổng lợi nhuận thu được là 553,09 triệu đồng.