Nguy cơ phá vỡ quy hoạch
KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Hà Nội cho biết, Quy hoạch chung Thủ đô được Thủ tướng phê duyệt năm 1998 yêu cầu phải giảm dân số trong 4 quận nội thành (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng) từ 96 vạn người khi đó xuống 80 vạn người. Đồng thời, phải di dời 24 cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm nghiêm trọng.
Tuy nhiên, sau 10 năm, đến năm 2008, Hà Nội mới di dời được 23 nhà máy và đến nay dân số không giảm mà còn tăng lên trên 1,2 triệu người trong 4 quận.
Trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tháng 7-2011, tiếp tục yêu cầu Hà Nội điều chỉnh chức năng sử dụng đất, di dời các cơ sở sản xuất, đào tạo, y tế không phù hợp ra bên ngoài. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cải tạo, chỉnh trang kiến trúc đô thị, cảnh quan, tăng cường cây xanh, mặt nước và bảo vệ môi trường sống. Hạn chế phát triển nhà cao tầng.
Tuy nhiên, điều gây nhức nhối là di dời với cái mác để “giảm tải”, nhưng ngay sau đó lại chồng lên cả rừng cao ốc. Ngoài ra, việc di dời trụ sở các bộ, ngành, trường đại học, bệnh viện ra ngoài quá ì ạch, nặng tính hình thức.
Nếu nhiều đơn vị có trụ sở mới vẫn giữ văn phòng cũ thì mục tiêu giảm tải cho hạ tầng giao thông nội đô sẽ không đạt được.
Thực tế, vừa qua, tại vị trí hàng loạt nhà máy, đơn vị sau chuyển đổi, di dời, cải tạo, đã đua nhau mọc lên các khu cao ốc với mật độ rất cao.
Điển hình như dự án công trình hỗn hợp văn phòng làm việc và nhà ở tại 85 Nguyễn Chí Thanh cao 17-19 tầng; dự án cải tạo tập thể 97 Láng Hạ 27 tầng; dự án I1, I2, I3 Thái Hà của Tổng Cty Sông Hồng; Trung tâm Thương mại chợ Ngã Tư Sở cao 21-25 tầng; công trình tại 187 Giảng Võ của NXB Giáo dục cao 25-30 tầng; công trình toà nhà văn phòng, nhà ở cao cấp của Cty Cổ phần Hoá dầu Quân đội tại 183 Nguyễn Lương Bằng;
Dự án cải tạo xây dựng lại các nhà chung cư cũ A2, B1, B2, B3 Ngọc Khánh; dự án cải tạo xây dựng lại nhà C1 Thành Công; dự án xây dựng tổ hợp dịch vụ và nhà ở tại 122 Vĩnh Tuy... Riêng trong năm 2010, Hà Nội cho phép tiếp tục triển khai đối với 244 dự án cao ốc.
Mù mờ công cụ quản lý?
Nguyên nhân tình trạng thiếu kiểm soát đối với phát triển nhà cao tầng, theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, là Hà Nội vẫn thiếu công cụ để kiểm soát. Chủ trương giảm tải cho khu vực nội đô lịch sử thuộc 4 quận cần phải thực hiện nghiêm, trong khi đó việc Hà Nội “giải thoát” cho 244 dự án nhà cao tầng năm 2010 sẽ tiếp tục tăng chất tải lên hạ tầng và giao thông.
Theo ông Nghiêm, Hà Nội đã căn cứ vào phân vùng để kiểm soát khá chung chung để “giải thoát” cho 244 dự án, trong khi đó nhiều nội dung của văn bản này không còn phù hợp với Quy hoạch chung mà Thủ tướng mới phê duyệt, do vậy thành phố cần sớm cụ thể hoá hạn mức nhà cao tầng với từng khu vực.
“Trong Quy hoạch chung, tiếp tục yêu cầu kiểm soát nghiêm ngặt khu vực nội đô lịch sử nhưng đã gần một năm trôi qua kể từ khi phê duyệt Quy hoạch chung mà Hà Nội vẫn chưa ban hành được quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc, bao gồm cả quy chế chung toàn thành phố và quy chế cho từng khu vực nên thiếu công cụ kiểm soát”, ông Nghiêm nói.
Đại diện Cục Phát triển Đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng, không nên tiếp tục “thỏa thuận” quy hoạch kiến trúc trong 4 quận trung tâm mà cần có công cụ khoa học hơn. “Nhiều vị trí xây cao hay thấp tầng dường như vẫn do nhà đầu tư quyết định khi họ bỏ tiền ra mua lại các cơ sở sản xuất di dời và họ sẽ tìm mọi cách để xây cao tối đa”, đại diện Cục Phát triển Đô thị nói.
Đại diện Bộ Xây dựng lưu ý, Quyết định 108 của Thủ tướng với khu đô thị lõi chỉ duy trì 80 vạn dân, bình quân đất đô thị chỉ mới đạt 45m2/người và còn thấp hơn nhiều so với mức trung bình của đô thị là 100m2/người. Nếu tiếp tục đưa dân vào khu vực lõi thì chỉ tiêu nêu trên càng giảm mạnh.
Ông Nguyễn Văn Nam, Trưởng Ban Kinh tế Ngân sách HĐND thành phố Hà Nội, đề nghị, việc di dời trụ sở, bệnh viện đi đâu, đất cũ dùng làm gì phải tuân thủ theo quy hoạch. Trong quy hoạch hiện nay là bệnh viện, trường học nhưng trong phương án di dời phải có phương án sử dụng. Phải có quy hoạch của nơi đi, nơi đến. Quỹ đất sau di dời ưu tiên số một là phục vụ công cộng như trường học mầm non, giao thông tĩnh.
“Nếu cơ quan, doanh nghiệp nào di dời cũng xin chuyển đổi thì không bao giờ có đất cho công cộng. Khi di dời phải đồng thời quy hoạch lại vị trí đó phù hợp Quy hoạch chung và yêu cầu của khu vực”, ông Nam nói.