Làm đường vào 'biệt phủ' quan huyện: Chỉ là ngẫu nhiên?!

TP - Chiều 1/3, tại cuộc họp báo định kỳ tháng 2 của UBND tỉnh Đắk Lắk, đại diện UBND huyện Ea Súp nói rằng, huyện này đã làm tờ trình xin tỉnh Đắk Lắk bố trí 4 tỷ đồng làm đường bê tông ở kênh chính Tây. Tuy nhiên, huyện chỉ được bố trí 1,2 tỷ đồng nên đường bê tông chỉ làm đến đất nhà ông Trần Ngọc Quang (nguyên Chủ tịch UBND huyện này) rồi dừng.
“Biệt phủ” ông Trần Ngọc Quang, nơi có đường bê tông làm đến cửa ngõ thì dừng.

Trước đó, ngày 3/2 Tiền Phong đã đăng bài viết “Ưu ái làm đường vào “biệt phủ” quan huyện”, phản ánh về việc dự án làm đường bê tông trên kênh chính Tây của huyện Ea Súp dẫn đến cửa ngõ của ông Trần Ngọc Quang rồi thôi. Đoạn còn lại là đường đất, đường được chắp vá, hư hỏng, bụi bẩn. Qua đó nêu lên vấn đề, tại sao giao thông đi lại của người dân ở thị trấn Ea Súp và nhiều xã khác còn nhiều khó khăn, chính quyền lại không đưa dự án về đó.

Theo UBND huyện Ea Súp, kênh chính Tây có tổng chiều dài khoảng trên 30km, nhưng huyện này chỉ xin vốn làm bê tông 1,4 km, từ đoạn giao với tỉnh lộ 1, đến cầu Bà Mỹ (qua nhà ông Quang-PV). 1,4 km này có vị trí rất quan trọng, phục vụ đi lại để sản xuất cho người dân và tuyến đường tránh cho các phương tiện giao thông trong thời gian tỉnh lộ 1 đang sửa chữa.

Trước thời điểm đầu tư, đoạn đường này bị hư hỏng rất nặng. Do nguồn khó khăn, nên huyện Ea Súp đã làm tờ trình xin kinh phí 4 tỷ đồng để làm đường bê tông. Tuy nhiên, tỉnh chỉ bố trí được 1,2 tỷ đồng. Vì vậy kinh phí chỉ đủ làm 519 m bê tông, rộng 3,5 m; dày 18 cm và 907 m còn lại được đổ bằng đá dăm. Hiện nay, huyện đang tiếp tục đề nghị tỉnh bố trí nguồn vốn còn lại để tiếp tục hoàn chỉnh con đường. “Như vậy, khối lượng mặt đường bê tông xi măng đầu tư xây dựng đến khu đất nhà ông Trần Ngọc Quang là khách quan, không phải do mục đích của chủ đầu tư ưu ái cho một cá nhân nào như báo phản ánh”, ông Nguyễn Văn Tuyên -Trưởng phòng Kinh tế-hạ tầng UBND huyện Ea Súp, cho biết.

PV Tiền Phong đặt câu hỏi: Tại huyện Ea Súp có rất nhiều đoạn đường hỏng, dân cư đông đúc… đang rất cần được đầu tư làm nhưng tại sao không làm? Lãnh đạo UBND huyện Ea Súp cho biết: Do đoạn này không có hệ thống thoát nước, xe quá tải trọng thường xuyên đi qua làm đường hư hỏng nặng hơn. “Bức xúc quá, UBND huyện mới làm tờ trình xin vốn gửi Sở Tài chính và UBND tỉnh để sửa chữa tiếp con đường này. Việc làm con đường này đến nhà ông Quang chỉ là ngẫu nhiên, chứ chúng tôi không hề ưu ái gì cả”, ông Tuyên nói.

Vị Trưởng phòng Kinh tế-hạ tầng của UBND huyện Ea Súp cho biết thêm, thời gian qua một số con đường khác ở huyện này đã  được tu sửa. Các tuyến đường hỏng nặng hơn huyện đã có kế hoạch trung hạn, do thảm nhựa kinh phí lớn… chưa có tiền nên chưa thể triển khai.

Nhiều cán bộ bị kỷ luật

Thời gian qua, dư luận bất bình vì nhiều cán bộ quản lý, lãnh đạo các ngành ở huyện Ea Súp được điều chuyển khi chưa đủ tiêu chuẩn, trong số những người này, có con trai, con dâu của ông Trần Ngọc Điếp, Ủy viên Ban Thường Vụ, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Ea Súp.

Quá trình xác minh, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Đắk Lắk (UBKT) đã ra quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Trần Ngọc Điếp, vì có những sai phạm, khuyết điểm như: Tham mưu cho thường trực Huyện ủy, Ban Thường vụ Huyện ủy về chủ trương điều động; bổ nhiệm và giới thiệu nhân sự bầu cử một số chức danh lãnh đạo; Quản lý không đúng quy trình, quy định, tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước về công tác tổ chức cán bộ.