Máu truyền trên, chảy ở dưới
Ngày 23/11, PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Trưởng Khoa Phẫu thuật tim mạch- lồng ngực (BV Việt Đức) cho biết, bệnh nhân V.V.Q (55 tuổi, Thái Thụy, Thái Bình) được chuyển đến BV Việt Đức đêm 15/11 trong tình trạng sốc mất máu nặng, con dao bầu còn nguyên trên gáy, đâm thấu qua cột sống, vào thẳng vị trí hiểm tại tim. Vết đâm chí mạng khiến bệnh nhân mất máu trầm trọng, khoảng 4 lít máu.
Theo thông tin từ cơ quan công an, người đàn ông này bị cướp đâm khi đang hành nghề xe ôm. Được biết, một thanh niên 15 tuổi đã thuê ông V.V.Q chở xe ôm. Đến đoạn đường tối thuộc huyện Thái Thụy, Thái Bình, người thanh niên này bất ngờ rút dao đâm thẳng vào gáy ông Q khiến ông ngã nhào xuống đường. Sau khi gây án, thanh niên này đã bỏ trốn, ông Q may mắn không chết đã cố lết kêu cứu trong tình trạng con dao bầu cắm sâu vùng gáy, máu chảy ướt thẫm lưng.
Tiếp nhận ca bệnh trong tình trạng sốc mất máu nặng sau nhiều giờ tai nạn, các bác sĩ không kịp làm bất cứ xét nghiệm, chiếu chụp gì, chỉ kịp phán đoán tổn thương bên trong theo vị trí vết dao đâm.
“Con dao bầu có chiều dài khoảng 25cm, chỗ rộng nhất 5,5 cm, lưỡi dao khoảng hơn 15cm cắm ngập từ gáy, xuyên qua cột sống và cắm thẳng vào động mạch chủ. Đây là vị trí hiểm, bởi động mạch chủ là động mạch lớn nhất cơ thể, xuất phát từ tim và chuyển máu đi nuôi toàn bộ cơ thể. Vì thế, khi bị dao nhọn đâm vào đã dẫn đến tình trạng mất máu trầm trọng, khiến bệnh nhân sốc, tụt huyết áp, suy đa phủ tạng”, PGS Ước nói.
Theo PGS Ước, với một tổn thương đâm thẳng vào quả tim cũng không đáng ngại bằng vết thương vào động mạch chủ do nó ảnh hưởng tới toàn bộ quá trình cấp máu cho cơ thể.
Chỉ kịp đánh giá nguy cơ qua phán đoán, các bác sĩ ngay lập tức hỗ trợ tuần hoàn ngoài cơ thể bằng máy tim phổi nhân tạo để ngưng tim trong thời gian dài mà không làm tổn thương não, với mục đích phẫu thuật cầm máu cứu bệnh nhân.
Tuy nhiên, ca phẫu thuật cũng là một thử thách với các bác sĩ. Không chỉ do tổn thương ở vị trí hiểm mà do con dao cắm sâu ở vùng gáy, bệnh nhân không thể nằm trên bàn mổ như những trường hợp khác. Các bác sĩ đã phải đặt bệnh nhân nằm trên một chiếc giường mổ, đẩy người lên cao và đặt đầu bệnh nhân lên một bàn mổ khác, để khoảng trống giữa hai bàn là nơi con dao vẫn cắm ngập.
Cũng theo PGS Ước, khi cấp cứu, bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông nên tình trạng chảy máu rất trầm trọng. Trên thì vẫn cứ truyền, tại vết đâm máu vẫn chảy ướt sũng. Ca mổ tốn hơn khoảng 10 lít máu và sau khoảng 30 phút phẫu thuật khó khăn con dao đã được rút ra khỏi cơ thể bệnh nhân.
Vùng dao dâm ước tính dài gần hơn 15cm với chiều rộng của con dao bầu khoảng 5,5 cm. Khi dao được rút ra, một bác sĩ đã chui sẵn dưới gầm bàn nhanh chóng khâu lại vùng tổn thương để hạn chế mất máu cho bệnh nhân. Xong ca phẫu thuật, dưới sàn, vùng trống giữa hai bàn kê đầu và người bệnh nhân ướt sũng máu.
Vẫn hết sức nguy kịch
Theo PGS Ước, dù được phẫu thuật cấp cứu ngay thời điểm nhập viện, nhưng tiên lượng bệnh nhân rất xấu do sốc mất máu kéo dài. Theo báo cáo, sự việc xảy ra 19h cùng ngày nhưng rất lâu sau người dân mới phát hiện đưa bệnh nhân vào BV tỉnh và sau khi sơ cứu được chuyển lên Việt Đức vào lúc 23h30 phút cùng ngày.
Thời gian sốc kéo dài khiến khả năng phục hồi rất khó do bị suy đa phủ tạng. Hơn nữa, ngoài vết thương do dao đâm thấu nhiều bộ phận cơ thể khiến bệnh nhân mất hơn 10 lít máu, bệnh nhân này còn bị gãy xương cẳng chân.
“Bình thường chỉ riêng chấn thương gãy xương cẳng chân đã là một chấn thương rất nặng, nguy cơ tử vong cao. Nay bệnh nhân lại thêm những tổn thương nghiêm trọng vùng động mạch chủ, mất đến 10 lít máu nên tiên lượng vô cùng khó khăn. Mổ thì đã thành công, hồi sức bằng các kỹ thuật hiện đại nhất, thuốc men tốt nhất nhưng để người bệnh hồi phục hay không là cả một phép màu, là điều vô cùng may mắn và hiếm gặp”, PGS Ước nói.
Hiện bệnh nhân đang được siêu lọc máu, với chi phí khoảng 20 triệu cho 3 ngày mà vẫn chưa thể đưa ra tiên lượng sáng sủa. Trong khi bệnh nhân lại không có bảo hiểm y tế nên với gia đình người bệnh sẽ là một khó khăn rất lớn ở những ngày điều trị tiếp theo.
Theo PGS Ước, những ngày qua, người thân của bệnh nhân Q đã nhiều lần xin đưa bệnh nhân về vì tiên lượng xấu, tiền điều trị khó khăn do không có BHYT.