Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội vừa có báo cáo về tình hình triển khai các hoạt động đã ký kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2016 và năm 2017 trên địa bàn thành phố Hà Nội. Về tình hình triển khai hoạt động các dự án được trao Quyết định/Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư năm 2017. Tại Hội nghị đã trao 48 dự án, tổng vốn đầu tư 74.369 tỷ đồng, đến nay đã thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, khởi công và xây dựng, hoạt động 41 dự án; còn 7 Dự án đang trong giai đoạn chuẩn bị đầu tư.
Tình hình thu hút các dự án trong Danh mục giới thiệu kêu gọi đầu tư năm 2016. Tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư của thành phố Hà Nội năm 2016, thành phố đã giới thiệu Danh mục dự án kêu gọi đầu tư gồm 52 dự án đầu tư theo hình thức PPP. Trong 52 dự án theo hình thức PPP có 35 dự án trong lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật (22 dự án đã xác định Nhà đầu tư, còn lại chuyển hình thức đầu tư sang vốn ngoài ngân sách nhà nước); 12 dự án thuộc lĩnh vực nước sạch nông thôn chuyển hình thức đầu tư sang vốn ngoài ngân sách nhà nước. 7 dự án thuộc lĩnh vực y tế, có 2 dự án chuyển hình thức đầu tư sang vốn ngoài ngân sách nhà nước (Xây dựng Bệnh viện Tim Hà Nội-Cơ sở 2 và dự án Xây dựng Bệnh viện Thận Hà Nội), còn lại chưa có Nhà đầu tư đề xuất.
Đối với việc thu hút các dự án trong Danh mục giới thiệu kêu gọi đầu tư năm 2017, tại Hội nghị năm 2017, thành phố đã giới thiệu Danh mục dự án kêu gọi đầu tư gồm 135 dự án (trong đó 119 dự án theo hình thức xã hội hóa và 16 dự án theo hình thức PPP). Trong 119 dự án xã hội hóa, có 16 dự án đã xác định nhà đầu tư (chủ yếu tập trung vào lĩnh vực cụm công nghiệp, được trao Quyết định chủ trương năm 2018).
Trong 16 dự án theo hình thức PPP, có 5 dự án đã xác định Nhà đầu tư (Tuyến số 2 kết nối sân bay Nội Bài và Khu đô thị mới Đông Anh; tuyến số 3 nối khu vực phía Tây với Trung tâm TP; tuyến số 5 kết nối trung tâm thành phố với các Khu đô thị dọc hành lang Láng Hòa Lạc; tiếp nước cải tạo Sông Tích và Dự án xây dựng Nhà máy xử lý nước thải Vân Canh); 1 dự án Sở Kế hoạch và Đầu tư đề nghị chuyển sang đầu tư vốn ngân sách (trụ sở làm việc huyện Mỹ Đức).
Bên cạnh đó, các cam kết an sinh xã hội sau Hội nghị 2016, 2017 cũng được triển khai. Năm 2016 có 16 nội dung, thuộc 9 Chương trình an sinh xã hội được Nhà đầu tư cam kết hỗ trợ, đến nay còn 10 nội dung đang tiếp tục triển khai.
Năm 2017 có 24 nội dung hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội được các Nhà đầu tư cam kết hỗ trợ. Hiện nay đã hoàn thành 9 cam kết, đang xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện 15 cam kết. Các Biên bản ghi nhớ năm 2017 (13 biên bản ghi nhớ) đã ký với các nhà đầu tư, cho phép nghiên cứu để triển khai các dự án, đến nay đã hoàn thành 1, còn 10 biên bản đang triển khai.
Hà Nội đứng thứ 3 về thu hút FDI trên toàn quốc
Tính đến ngày 31/5, trong 5 tháng đầu năm 2018 toàn thành phố Hà Nội thu hút 891,91 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Trong đó cấp mới 229 dự án, vốn đầu tư đăng ký mới 530,83 triệu USD; tăng vốn 52 lượt dự án, vốn đầu tư đăng ký tăng 131,3 triệu USD; chấp thuận góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong DN Việt Nam 298 lượt, với tổng vốn đăng ký đạt 229,78 triệu USD.
Trong kỳ đã thực hiện cấp mới 2 Dự án của Tập đoàn Nidec tại khu công nghệ cao Hòa Lạc, tổng vốn đầu tư 400 triệu USD. Gồm Dự án Nidec Shimpo Việt Nam (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu phát triển, sản xuất, kinh doanh máy giảm tốc cỡ nhỏ có độ chính xác cao tại Hà Nội; Dự án Nidec Techno Motor Việt Nam (Nhật Bản), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu phát triển, sản xuất và kinh doanh mô-tơ điện một chiều không chổi than tại Hà Nội.
Như vậy tính đến thời điểm hiện nay, thành phố Hà Nội hiện đứng thứ 3 về thu hút FDI trên toàn quốc, sau thành phố Hồ Chí Minh và Hải Phòng.
Dự kiến 6 tháng năm 2018, trên cơ sở các hồ sơ đang trình thành phố phê duyệt, thu hút FDI đạt khoảng 1,3 tỷ USD (tăng 18,6% so với cùng kỳ năm 2017) gồm các dự án: Dự án sản xuất màng OPC của Mitsubishi Chemical tại khu công nghệ cao Hòa Lạc 92 triệu USD; Dự án Nhà máy sản xuất bia tăng vốn của Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Hà Nội, 43 triệu USD; Dự án Trung tâm tài chính thương mại và các công trình phụ trợ tăng vốn của Công ty TNHH TSQ Việt Nam, 68 triệu USD; Khu phức hợp tại phường La Khê, quận Hà Đông của Công ty HH Chế tạo Công nghiệp và Gia công Hàng xuất khẩu Việt Nam (Công ty VMEP) và Công ty CP Phát triển Nhà Daewon Thủ Đức (Công ty DWTD), 150 triệu USD…
Lũy kế đến hết tháng 5/2018: Hà Nội thu hút được 27,94 tỷ USD với 4.330 dự án còn hiệu lực, trong đó vốn thực hiện đã giải ngân đạt khoảng 15,4 tỷ USD (chiếm 55%).
Các dự án đầu tư theo hình thức 100% vốn nước ngoài chiếm phần lớn (chiếm 80%), còn lại là liên doanh và hợp đồng hợp tác kinh doanh. Lĩnh vực thu hút vốn lớn nhất là bất động sản (31%); tiếp theo là công nghiệp chế biến chế tạo (28%), thông tin truyền thông (8,7%).
Nhật Bản hiện là quốc gia đứng thứ nhất về vốn đầu tư FDI của Hà Nội với khoảng 5,8 tỷ USD, đứng thứ hai là Singapore với 5,6 tỷ USD; đứng thứ 3 là Hàn Quốc với 5,4 tỷ USD.