Ký ức ông bà tôi khiến phụ huynh, giáo viên say đắm

TPO - Lịch sử, văn hóa, xã hội, của cả một giai đoạn đất nước được các bạn học sinh khéo léo xây dựng. Nhiều đoạn phim do học sinh tự làm ghi lại ký ức ông bà đã khiến rất đông phụ huynh, giáo viên thích thú.

Triển lãm tương tác với chủ đề “Hình ảnh trẻ em giai đoạn 1930 - 1945” do học sinh khối 8 và khối 11 Trường PTLC Olympia tổ chức trong khuôn khổ dự án học tập liên môn Ngữ Văn - Truyền thông & Văn hoá diễn ra từ ngày 7/2 đến ngày 11/2 đang thu hút sự quan tâm của học sinh, phụ huynh và giáo viên. 

Lấy ý tưởng từ các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 - 1945 như: Hai đứa trẻ, Những ngày ấu thơ, Gió lạnh đầu mùa...  các bạn học sinh đã nghiên cứu sâu hơn về một giai đoạn lịch sử Việt Nam bao gồm các yếu tố Văn hóa, ẩm thực, trò chơi dân gian, tâm tư, tình cảm của một thế hệ... để có một không gian nghệ thuật tương tác với các tác phẩm trưng bày do chính các bạn chuẩn bị như: Hiệu sách  - các tác phẩm văn học giai đoạn 1930 -1945 được vẽ thành truyện tranh, sản xuất phim hoạt hình, tái hiện trò chơi dân gian (ô ăn quan, chuyền...), khu vực ẩm thực (bánh đúc, chè lam, nước chè...) và các hiện vật cổ như: máy hát, máy đánh chữ...

Đặc biệt buổi triển lãm còn chiếu phim do học sinh tự làm ghi lại ký ức của những nhân chứng lịch sử là ông bà của các bạn học sinh đã sống trong giai đoạn lịch sử này kể lại. Đó là những câu chuyện rất đời thường về cuộc sống của trẻ em thời kỳ đó, vui chơi, ăn uống,... tất cả tạo nên một không gian nghệ thuật gần gũi, sinh động và lắng đọng cho những vị khách đến tham quan.

Anh Lê Văn Chương phụ huynh khối 8 chia sẻ: “Triển lãm rất thú vị và ý nghĩa, các con không những được biết về các tác phẩm văn học thời kỳ 1930 -1945 mà còn có cái nhìn toàn cảnh về lịch sử, văn hóa, xã hội, của cả một giai đoạn đất nước. 

Đây là một phương pháp học tập rất sáng tạo kích thích được sự hứng thú tìm tòi khám phá của các con để biến kiến thức trên sách vở thành chính kiến thức của mình. Tôi mong rằng, Nhà trường sẽ tiếp tục tạo điều kiện để các con có nhiều dự án học tập như vậy nữa”.

Cô Nguyễn Thị Tâm Hiền - giáo viên Ngữ Văn, Chủ nhiệm dự án cho biết: “Văn học giai đoạn thời kỳ 1930 -1945 là nội dung học tập chung của khối 8 và khối 11, vì vậy, các em đã phối hợp cùng thực hiện buổi triển lãm này. Trước đó, các bạn đã được tham khảo nhiều tài liệu ở giai đoạn này, sau đó lên ý tưởng và kế hoạch thực hiện của mình, bảo vệ trước các bạn học sinh và các thầy cô của 2 khối. 

Ý tưởng và kế hoạch hay nhất sẽ được lựa chọn triển khai thực hiện. Trong quá trình thực hiện, các bạn đều ghi lại những việc làm được và chưa làm được để rút kinh nghiệm cho những hoạt động khác của các con sau này. 

Hơn thế nữa, buổi triển lãm khai thác sâu về hình ảnh trẻ em giai đoạn 1930 -1945 giúp các em thấu hiểu, đồng cảm về số phận kém may mắn của các trẻ em giai đoạn này. Những buổi trò chuyện với các “nhân chứng lịch sử” là chính ông bà các em đã góp phần kết nối và rút ngắn khoảng cách thế hệ”.

Bạn Vũ Trà My (khối 11) chia sẻ: “Chúng mình gặp nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện buổi triển lãm từ việc tìm ý tưởng trưng bày đến việc tìm kiếm các hiện vật lịch sử. Nhưng tất cả các bạn học sinh đã từng bước giải quyết được để cho ra mắt buổi triển lãm này. 

Những trải nghiệm thành công và thất bại trong quá trình thực hiện buổi triển lãm đã cho chúng mình rất nhiều tri thức và kinh nghiệm quý báu. Mình rất ấn tượng với những câu chuyện của ông bà kể về thời kỳ này, từ đó biết thêm nhiều kiến thức chân thực và sinh động hơn về Lịch sử, Văn hóa, Xã hội của đất nước về giai đoạn 1930 - 1945. Mình thấy đây thực sự là một hoạt động học tập rất vui và ý nghĩa”.