Khát khao cống hiến
Sau bữa cơm trưa, tôi cùng Hạ sỹ Trần Văn Toàn (Chiến sỹ Báo vụ) đứng bên mạn tàu nhìn về phía Nhà giàn DK1/8. Toàn kể: “Em muốn nhìn thật kỹ Nhà giàn từ biển, vì đây là đơn vị, là ngôi nhà của em trong những ngày tháng tới. Từ phòng truyền thống của Tiểu đoàn, em đọc rất nhiều thông tin về DK 1/8, giờ trực tiếp ra đây, thấy Tổ quốc mình nhìn từ biển thật thiêng liêng; thấy được nhà giàn, thấy được công sức mà thế hệ cha anh đã dựng xây”. Toàn quê ở thị xã Phú Mỹ (Bà Rịa - Vũng Tàu), bố mẹ làm nông từ nhỏ em đã bươn chải, tuổi thơ gắn liền với ruộng lúa, nương khoai. Sau khi học hết THPT, Toàn đi làm công nhân rồi tham gia nhập ngũ.
Cùng quê, cùng nhập ngũ một lần nên Toàn và Hạ sỹ Nguyễn Đức Thuận (Chiến sỹ Báo vụ) sớm trở thành đôi bạn thân, thường chia sẻ, giúp đỡ nhau trong sinh hoạt và huấn luyện tân binh. “Toàn ra Nhà giàn DK 1/8, còn em ra Nhà giàn DK 1/21, không cùng đơn vị nhưng chúng em thường liên lạc với nhau, động viên nhau cùng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ. Lúc đầu, em không khỏi lo lắng nhưng được sự động viên của thủ trưởng, đồng đội và gia đình nên bây giờ vững tin lắm. Em xác định tâm lý, bản thân đã khoác lên màu áo hải quân là phải luôn mạnh mẽ, xứng đáng với màu áo của quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”, Nguyễn Đức Thuận rắn rỏi.
Nhìn nụ cười chào tạm biệt của Trần Văn Toàn khi sải những bước chân lên Nhà giàn DK1/8, tôi chợt nhớ hình ảnh của Trung sỹ Võ Sỹ An Nguyên - Chiến sỹ xạ thủ Nhà giàn DK 1/9. Tuổi 22 với bao hoài bão, ước mơ khi đang ngồi trên ghế giảng đường trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh nhưng Nguyên đã gác lại chuyện đèn sách, tình nguyện viết đơn xin nhập ngũ. An Nguyên kể: “Năm 2021, đại dịch COVID-19 bùng phát, nhà trường cho sinh viên nghỉ để cách ly. Thời gian ở nhà, em đã tìm hiểu về bộ đội hải quân và có một tình yêu tha thiết, cùng lúc, quê hương em là thành phố Nha Trang đang có đợt tuyển quân nên thôi thúc em viết đơn vào quân đội. Quyết định của em ban đầu khiến gia đình, thầy cô và bạn bè ngỡ ngàng nhưng sau đó mọi người đã ủng hộ. Đặc biệt, bố em cũng từng là một người lính hải quân nên bố hiểu và động viên em rất nhiều. Sau đợt huấn luyện, em trở thành chiến sĩ Nhà giàn bảo vệ biển đảo, thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”.
“Chúng ta là thanh niên, chúng ta đang còn trẻ nên góp một phần sức nhỏ vào phục vụ quân đội và đất nước thân yêu. Sau khi xuất ngũ, chúng ta vẫn có thời gian học tập, thực hiện ước mơ của cá nhân mình. Em thấy quyết định của em là đúng. Đi để trưởng thành và em đã được tôi luyện, phát huy được bản lĩnh người trẻ và bồi đắp tình yêu đất nước. Ở trên Nhà giàn DK 1/9, bên cạnh em có những người bằng tuổi bố, những người bằng tuổi anh, những người bằng tuổi em và đây cũng là gia đình của em. Sau này, em có thể hãnh diện kể lại cho bố, mẹ và mọi người nghe về quá trình mình đã trải qua trong quân ngũ, một trang nhật ký đẹp của tuổi thanh xuân”, Võ Sỹ An Nguyên nói.
Đoàn công tác trong chuyến hải trình trên tàu Trường Sa 21 có 12 chiến sỹ trẻ ra các Nhà giàn DK1 để nhận nhiệm vụ. Những chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi lên đường theo tiếng gọi biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Bí thư chi đoàn truyền cảm hứng
Khoảng thời gian trên Nhà giàn DK1/9, chúng tôi cảm nhận được tình yêu Tổ quốc cháy bỏng của những người trẻ. Đặc biệt khi chứng kiến mô hình Nhà giàn DK1 của Trung úy Trần Văn Bình (Bí thư Chi đoàn, Phó Chỉ huy trưởng Nhà giàn DK 1/9). Từ ý tưởng ban đầu và những vật dụng đơn giản, Bình cùng các chiến sỹ trẻ đã tạo một mô hình nhà giàn đẹp, ý nghĩa.
Trung úy Trần Văn Bình cho biết: “Là một bí thư chi đoàn cũng là một Phó Chỉ huy nên tôi luôn cố gắng tạo ra một sân chơi tràn ngập niềm vui cho các đoàn viên. Bản thân đam mê nghiên cứu, lắp ghép các mô hình nên khi đến công tác trên nhà giàn, trong đầu tôi liền nảy ra ý tưởng làm một mô hình nhà giàn thu nhỏ và được đồng thuận cao. Sau khi tôi trình bày, các cán bộ, đoàn viên đóng góp thêm ý tưởng để xây dựng mô hình hoàn chỉnh. Công trình nhỏ, nhưng thể hiện tình yêu của tuổi trẻ đối với biển trời Tổ quốc”.
“Khi tự tay mình làm sẽ có cảm giác như bản thân cũng đang xây dựng nhà giàn chân thực. Mỗi người tùy thuộc vào khả năng, năng khiếu của mình để làm những chi tiết khác nhau. Tính tỉ mỉ, cẩn thận cũng được đề cao. Các vật liệu bằng nhựa, bằng gỗ hoặc bằng phao được sử dụng và lắp khớp, liên kết bằng keo 502. Đây cũng là giây phút để anh em cán bộ, chiến sĩ Nhà giàn có điều kiện học tập tốt nhất, từ mô hình có thể hình dung được ngôi nhà thật, giúp cho các đồng chí công tác hiệu quả hơn. Chúng tôi mất thời gian 2 tháng để hoàn thiện mô hình”, Trung úy Bình nói.
Không chỉ đưa ra những ý tưởng sáng tạo, truyền cảm hứng cho đồng đội, Bí thư Chi đoàn Trần Văn Bình còn là người gương mẫu trong các hoạt động trên Nhà giàn DK 1/9 như đọc sách, luyện tập thể lực, tăng gia sản xuất... “Trong tủ sách trên Nhà giàn có nhiều tờ báo như Tiền Phong, Quân đội nhân dân, Bà Rịa - Vũng Tàu; một số sách nghiên cứu về truyền thống lịch sử của các nhà giàn, các cột nhà giàn, cũng như các truyện ngắn. Bản thân Bình thường tranh thủ giờ nghỉ, ngày nghỉ để tìm hiểu đọc các loại sách, báo, cập nhật thông tin. Anh em trong đơn vị cũng thường xuyên, tích cực đọc để trau dồi thêm kiến thức và hưởng ứng các đợt thi đua do Tiểu đoàn DK1 phát động”, Trung úy Trần Văn Bình cho hay.
Khí phách, bản lĩnh của chiến sỹ trẻ Võ Sỹ An Nguyên, tinh thần khát khao cống hiến của Trần Văn Toàn, Nguyễn Đức Thuận; mô hình truyền cảm hứng của Bí thư Chi đoàn Trần Văn Bình đã để lại trong tôi những ấn tượng khó quên, sự cảm phục và lòng tin yêu những người lính trẻ nơi đầu sóng, ngọn gió.
Cái bắt tay đầy nội lực chứa chan tình bạn, tình đồng đội, tình anh em cùng lời hứa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của chiến sỹ trẻ khi chia tay để lên nhà giàn công tác khiến chúng tôi thêm tin yêu về sự trưởng thành của những người lính trẻ giữa biển cả quê hương.
(Còn nữa)