Kỷ luật người đứng đầu nếu làm sai cam kết đầu tư công

TPO - “Nếu không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật”, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

 Lãng phí khi tiền, nhưng không có tiêu được

Ngày 22/9, Kiểm toán nhà nước tổ chức hội thảo khoa học nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công và vai trò của Kiểm toán nhà nước. Phát biểu tại hội thảo, GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước cho biết, đầu tư công đóng vai trò tạo nền tảng vật chất kỹ thuật quan trọng cho đất nước, kiến tạo hạ tầng kinh tế - xã hội, là “đòn bẩy” đối với một số ngành và vùng trọng điểm, đồng thời thúc đẩy thực hiện các chính sách phúc lợi xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng.

 GS.TS Đoàn Xuân Tiên, Phó Tổng Kiểm toán nhà nước phát biểu tại hội thảo

Mặc dù Chính phủ và các cấp, ngành, địa phương đã quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ giải ngân, số vốn giải ngân tăng so với cùng kỳ năm 2019, song tỷ lệ giải ngân sáu tháng đầu năm vẫn thấp so với yêu cầu. “Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công gây ra nhiều hệ lụy cho nền kinh tế, ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả, hiệu lực của các dự án đầu tư công”, ông Đoàn Xuân Tiên nhận định.

Lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho rằng, việc chậm giải ngân làm ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế do yếu tố vốn là một trong những yếu tố quan trọng của tăng trưởng GDP, đặc biệt là trong điều kiện hiện nay. Bên cạnh đó, vốn đầu tư công thường là nguồn lực của các dự án lớn, những hạ tầng quan trọng nên việc giải ngân chậm cũng sẽ kéo lùi các dòng vốn đối ứng khác của tư nhân, của nước ngoài, ảnh hưởng huy động vốn xã hội nhưng đồng thời ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, giảm niềm tin của các nhà đầu tư và nhà tài trợ.

“Việc chậm giải ngân dẫn đến lãng phí khi tiền có nhưng không tiêu được trong khi đó vẫn phải trả chi phí lãi vay. Đồng thời các doanh nghiệp, chủ đầu tư phải gánh chịu chi phí bị đội lên, việc làm giảm đi…”, GS Đoàn Xuân Tiên nêu.

Ngoài các nguyên nhân khách quan, lãnh đạo Kiểm toán nhà nước cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công hiện nay do nhiều yếu tố chủ quan, nhất là tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý, điều hành, tổ chức thực hiện như: chậm hoàn thiện thủ tục đầu tư và giao chi tiết kế hoạch vốn; việc giải phóng mặt bằng chưa được giải quyết dứt điểm; công tác lựa chọn nhà thầu, tổ chức thi công còn chậm… Một số bộ, ngành, địa phương, ban quản lý dự án còn chưa chủ động, thiếu quyết liệt trong công tác phối hợp và chỉ đạo điều hành; vai trò, trách nhiệm người đứng đầu chưa được đề cao.

Qua công tác kiểm toán các dự án đầu tư công hàng năm, theo ông Đoàn Xuân Tiên, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính hàng chục nghìn tỷ đồng, bao gồm thu hồi nộp NSNN, giảm thanh toán và xử lý khác. Kiểm toán nhà nước cũng có rất nhiều kiến nghị các Bộ, ngành, địa phương và các Ban QLDA để kịp thời khắc phục các tồn tại, thiếu sót trong công tác chỉ đạo điều hành và quản lý dự án, kiến nghị xem xét, sửa đổi kịp thời các quy định, chính sách không phù hợp để nâng cao hiệu quả đầu tư dự án.

Đáng lưu ý, kết quả kiểm toán các dự án đầu tư công cho thấy còn nhiều bất cập và kẽ hở về cơ chế, chính sách trong quản lý đầu tư công, đặc biệt trong các dự án dưới các hình thức mới như các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Trong khi đó, công tác quản lý, giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước chưa được thực hiện thường xuyên, đầy đủ.

Trên cơ sở đó, Hội thảo sẽ góp phần làm rõ thực trạng quản lý, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công hiện nay; đồng thời tập trung làm rõ vai trò của Kiểm toán nhà nước trong lĩnh vực kiểm toán các dự án đầu tư công, góp phần làm minh bạch, bền vững nền tài chính quốc gia.

Nhiều địa phương gắn trách nhiệm trong việc triển khai các dự án đầu tư công (Ảnh minh họa)

Người đứng đầu chịu hoàn toàn trách nhiệm

Là một trong số ít địa phương có tỷ lệ giải ngân trên 60%, tại Hội thảo, lãnh đạo tỉnh Nghệ An đã chia sẻ một số kinh nghiệm đã được địa phương thực hiện trong thời gian qua. Một trong những giải pháp được ông Lê Hồng Vinh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An nêu ra là địa phương thực hiện giao vốn kịp thời ngay khi có quyết định giao vốn của Trung ương và HĐND tỉnh, tạo điều kiện cho các chủ đầu tư chủ động triển khai thực hiện ngay từ đầu năm. Mặt khác, từ khâu xây dựng kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh đã chủ động xây dựng và giao kế hoạch phù hợp với tiến độ thực tế của các chương trình, dự án.

Thậm chí, Nghệ An còn đề xuất HĐND tỉnh họp phiên bất thường để thông qua chủ trương đầu tư một số dự án cấp bách. Đáng lưu ý, tỉnh này còn chú trọng đến vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu. Hàng quý, UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp và thông báo tỷ lệ giải ngân đến từng Giám đốc Sở, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã để có đôn đốc, chỉ đạo kịp thời.

“Đối với các công trình trọng điểm, UBND tỉnh phân công chỉ đạo cho từng Phó Chủ tịch UBND tỉnh theo dõi, chỉ đạo, thường xuyên kiểm tra hiện trường, họp bàn để giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các dự án, đảm bảo tiến độ được giao”, ông Vinh nhấn mạnh.

Cho ý kiến tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Mai Xuân Liêm cũng đặc biệt nhấn mạnh đến vai trò và trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai thực hiện. Theo ông Liêm, Thanh Hóa không giao cho cấp phó mà phân công trực tiếp cho lãnh đạo UBND tỉnh phụ trách trực tiếp từng lĩnh vực đầu tư, cũng như chỉ đạo tiến độ thực hiện, giải ngân các dự án cụ thể.

Cùng với đó, Thanh Hóa còn yêu cầu Giám đốc các sở, Trưởng các ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố, Giám đốc các Ban Quản lý dự án chuyên ngành và khu vực trực tiếp chỉ đạo việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án và chịu hoàn toàn trách nhiệm về tiến độ giải ngân. Đồng thời, địa phương này còn yêu cầu các chủ đầu tư ký cam kết về tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công. “Nếu không thực hiện đúng cam kết, người đứng đầu chủ đầu tư sẽ bị kiểm điểm, xem xét hình thức kỷ luật”, ông Liêm chia sẻ.