Kỳ lạ rừng lim trăm tuổi của người Cao Lan

TP - Rừng lim quý nằm cạnh khu dân cư, thuộc vùng bán sơn địa, cách thành phố Bắc Giang hơn 50 km. Việc giữ gìn rừng lim gắn với những câu chuyện, mĩ tục của tộc người Cao Lan tại đây.
Ngôi đình của người dân tộc Cao Lan trong khu rừng lim

Khu rừng “thiêng”

Trong một lần cùng đoàn đi khảo sát để phục dựng con đường hoàng dương Phật pháp của Phật hoàng Trần Nhân Tông lên Tây Yên Tử do tỉnh Bắc Giang tổ chức, một cán bộ bảo tàng có thâm niên trong nghề của tỉnh này rỉ tai tôi về một khu rừng lim có tuổi đời hàng trăm năm được đồng bào Cao Lan giữ gìn cẩn thận, với nhiều câu chuyện ly kỳ.

Tò mò trước câu chuyện này, tôi rong ruổi xe máy tìm về khu rừng lim cổ. Khác với suy nghĩ ban đầu của tôi, rừng lim cổ còn tồn tại đến bây giờ phải nằm trên các dãy núi cao, xa khu dân cư. Tuy nhiên, Bình Sơn là xã nằm dưới chân một dãy đồi, người địa phương gọi là Ao Ếch, khu rừng nằm gần khu dân cư. Anh Đàm Văn Kim, cán bộ xã Bình Sơn, đồng thời là Bí thư chi bộ thôn Nghè Mản (nơi có khu rừng lim cổ) xung phong dẫn đường. Con đường đất đá lởm chởm dẫn tôi đến khu rừng lim. “Rừng lim thiêng lắm, theo những người già ở đây truyền lại, người bên ngoài muốn vào trong rừng lim này phải nhờ thầy cúng của bản làm lễ xin thần rừng, mọi việc mới hanh thông”, anh Kim thổ lộ.

Ông Trương Văn Vồi (gần 70 tuổi) thầy cúng của bản làm lễ xin thần rừng cho phép tôi vào khu rừng thiêng này. Dưới chân đồi, trước mắt tôi là một khu rừng xanh tốt, rậm rạp, đường đi vào bên trong giăng đầy màng nhện. Trong khu rừng, nhiều cây lim xanh cao hàng chục mét, thân to vài người ôm không hết. Ngoài bìa rừng trời nóng bức, nhưng khi bước chân vào bên trong khu rừng lim mát rượi, không khí trong lành.

Anh Kim kể, khu rừng lim cổ này gắn liền với đời sống của đồng bào dân tộc Cao Lan nơi đây hàng trăm năm nay. Người già nhất trong thôn (hơn 90 tuổi) cũng không biết chính xác rừng lim này có từ bao giờ. Theo thống kê của UBND xã Bình Sơn, khu rừng lim này có diện tích khoảng 4 ha, với tổng số 260 cây lim xanh, trong đó có 60 cây có đường kính gần nửa mét. Khoảng chục cây lim có thân to tầm 3 người ôm.

Ông Vồi ngồi cạnh chia sẻ, trong tâm thức của người Cao Lan, rừng lim là nơi linh thiêng, trở thành nguồn sống tinh thần không thể thiếu của người dân trong thôn. Bởi lẽ, trong khu rừng có một ngôi đình được xây dựng từ thời người Cao Lan về đây khai sơn phá thạch. Ông được người dân trong bản giao việc trông nom và hương khói cho ngôi đình này hơn 30 năm nay.

Ông Vồi kể tiếp, mỗi khi người trong thôn muốn vào khu rừng lim lấy dù chỉ một cành cây hay ngọn cỏ đều phải xin thần rừng. Nếu được thần rừng cho phép, người dân mới dám mang về nhà. “Hơn 10 năm trước, một người trong thôn có ruộng canh tác ven bìa rừng có khai hoang thêm một ít đất từ bìa khu rừng thiêng, nhưng chưa xin thần rừng. Sau đó, mùa màng thất bát, người nhà ốm đau...”, ông Vồi huyền bí câu chuyện khó được chứng thực.

Anh Kim góp chuyện, người dân trong thôn vẫn còn nhớ sự việc xảy ra 30 năm về trước, một nhóm người lạ bên ngoài có thuê người vào khu rừng này để cưa trộm những cây lim cổ. Khi lâm tặc chặt được 1 - 2 cây lim, rồi cho trâu kéo ra ngoài rừng. Những con trâu mộng to khỏe kéo các cây lim đến bìa rừng tự dưng dừng bước, cứ đứng lì một chỗ cho đến khi người trong bản ra giữ lại và báo cho chính quyền.

Kể từ đó đến nay, lâm tặc bên ngoài dù thèm khát những cây gỗ lim cổ trong khu rừng này, nhưng không dám đến chặt trộm. “Việc giữ rừng lim trở thành trách nhiệm chung của cả thôn. Mỗi một người ở đây đều là tai mắt trông nom và chăm sóc khu rừng lim linh thiêng này”, anh Kim tâm sự.

Cả làng giữ rừng lim

Ngồi giữ ngôi đình cổ kính với những khúc gỗ nhuốm màu rêu xanh trong rừng lim um tùm, mát rượi, ông Vồi chậm rãi kể, ngôi đình cổ trong khu rừng lim này trở thành “bùa hộ mệnh” cho cuộc sống của người Cao Lan ở đây. Bởi vậy, người dân trong thôn luôn có ý thức giữ gìn cho khu rừng lim được toàn vẹn và xanh tốt, cũng là giữ cho cuộc sống dân làng được bình yên.

Ông Vồi nhẩm tính, ngôi đình này có hàng trăm năm tuổi. Ngôi đình thờ thần rừng, thần đất và hai vị vua ngày trước cai quản vùng đất này. Hằng năm, người Cao Lan ở đây vào đình cúng lễ 3 lần để cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt và cuộc sống người dân được yên ổn. “Cứ vào dịp đầu xuân, dịp xuống đồng và lúc thu hoạch mùa màng, mỗi gia đình trong thôn góp 3 lạng thịt cùng vào ngôi đình để cầu thần rừng, thần đất và bề trên ban cho sự ấm no, hạnh phúc và nhắc nhở cùng nhau giữ rừng lim”, ông Vồi chia sẻ.

Nhiều cây lim xanh trong khu rừng có thân cây to tầm 3 người ôm

Ông Vồi cho hay, người trong bản vẫn thường xuyên thay phiên nhau tuần tra, bảo vệ khu rừng lim. Những nhà dân sống xung quanh bìa rừng trở thành những chốt bảo vệ. Bởi vậy, bất cứ động tĩnh gì trong khu rừng hay người lạ có ý định đến nhòm ngó những cây gỗ lim đều không qua được tai mắt của người dân trong thôn. Việc giữ rừng lim xuất phát từ ý thức tự giác của từng người dân trong thôn. Không ai bảo ai, mọi người nhận thấy bảo vệ rừng lim cũng là bảo vệ cuộc sống của gia đình mình.

Theo ông Vồi, việc giữ được khu rừng lim “thiêng” cũng mang đến sự bình yên cho người dân trong bản. Nhờ có rừng lim này làm chỗ dựa cho đời sống tâm linh mà hàng trăm năm qua, người Cao Lan trong thôn luôn sống hòa thuận với nhau, mọi người bảo ban nhau làm ăn. “Trong bản này không có các tệ nạn xã hội, không có người nghiện ma túy hay trộm cướp, xe máy để ngoài đường cũng không có người lấy. Mọi người đoàn kết, yêu thương lẫn nhau”, ông Vồi tâm sự.

Ông Đồng Ngọc Dưỡng, cán bộ Bảo Tàng tỉnh Bắc Giang cho biết thêm, rừng lim và ngôi đình trong khu rừng này trở thành không gian văn hóa và điểm nhấn về đời sống tinh thần của đồng bào Cao Lan ở đây. Nét đặc sắc của ngôi đình có kiến trúc đơn sơ, không xây gạch bao quanh, gần với thiên nhiên. Đặc biệt, các khúc gỗ trong ngôi đình được gắn kết với nhau bằng các loại dây mọc tự nhiên trong rừng buộc lại, nhưng vẫn có độ bền chắc hàng trăm năm qua điều chưa thấy ở các ngôi đình khác trong tỉnh. “Khi tỉnh Bắc Giang phục dựng con đường hoàng dương Phật pháp lên Tây Yên Tử, khu rừng lim cổ này có thể trở thành một điểm du lịch sinh thái, văn hóa hấp dẫn và thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển”, ông Dưỡng chia sẻ.

 Ông Nguyễn Minh Hải, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Lục Nam (Bắc Giang) cho biết, khu rừng lim ở thôn Nghè Mản, xã Bình Sơn ước tính có tuổi đời vài trăm năm. Tại tỉnh Bắc Giang, khu rừng lim này có diện tích lớn nhất, với nhiều cây lim lâu đời. Khu rừng lim tồn tại đến ngày nay phần lớn nhờ người dân trong thôn đồng lòng, quyết tâm gìn giữ.