Kỳ họp thứ 4 HĐND Thành phố Hà Nội: Chất vấn đến cùng các vấn đề nóng

TP - “Ở kỳ họp này, quan điểm là chất vấn và tái chất vấn đến cùng nhiều vấn đề. Thời gian chất vấn là một ngày, trong đó tái chất vấn chiếm một nửa thời lượng để đáp ứng mong mỏi của cử tri Thủ đô và nhân dân cả nước”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Chủ tịch thường trực HĐND thành phố Hà Nội khẳng định trong buổi họp báo ngày 30/6.
Hạn chế phương tiện cá nhân là nội dung quan trọng được thảo luận tại kỳ họp này. Ảnh: Trọng Đảng.

Hạn chế phương tiện phù hợp năng lực hạ tầng

Sáng 30/6, HĐND thành phố Hà Nội họp báo về Kỳ họp thứ 4 (diễn ra từ ngày 3 đến 5/7). Trao đổi về dự thảo nghị quyết về đề án tăng cường quản lý phương tiện giao thông đường bộ giai đoạn 2017 - 2020 tầm nhìn 2030, ông Nguyễn Nguyên Quân, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Hà Nội cho biết, UBND thành phố đã có những điều chỉnh phù hợp. “Với nội dung thu hồi phương tiện cũ, sau khi các bộ ngành cho ý kiến cũng như có phản biện của mặt trận tổ quốc, tiếp thu ý kiến của nhân dân, cơ quan soạn thảo thấy rằng, nội dung này cần được xem xét, tính toán kỹ hơn. Nội dung nghị quyết trình chính thức sẽ không có việc thu hồi phương tiện”, ông Quân khẳng định.

Về việc tạm dừng hoạt động xe máy năm 2030, theo ông Quân, Hà Nội sẽ phân vùng hoạt động phương tiện phù hợp với hạ tầng cơ sở và tiến tới năm 2030 dừng hoạt động xe máy trên các quận.

“Hà Nội phải phân vùng phương tiện để phù hợp với hạ tầng ở từng lộ trình. Hạ tầng xã hội đáp ứng đến đâu thì phân vùng đến đó và đến 2030 khi hạ tầng xã hội triển khai đồng bộ, vận tải hành khách công cộng phát triển đảm bảo được 50 - 55% thì sẽ dừng hoạt động xe máy. Điều kiện tiên quyết là phải có các biện pháp thay thế bằng hệ thống vận tải công cộng. Hà Nội cũng đã có quy hoạch và kế hoạch phát triển nội dung này”, ông Quân phân tích.

Về nội dung điều chỉnh giờ học, giờ làm, ông Quân khẳng định, trước đây Hà Nội đã làm, nhưng tạm dừng vì hiệu quả không cao. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nếu phối hợp đồng bộ với các giải pháp khác thì sẽ có hiệu quả. “Cùng với việc quản lý phương tiện giao thông thì đề xuất áp dụng biện pháp điều chỉnh giờ học, giờ làm hết sức cần thiết. Cho nên sẽ tiếp tục kiến nghị Chính phủ để điều chỉnh giờ học, giờ làm”, ông Quân nói.

Sở có 8 phó là do… chính sách cán bộ

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố, về  tinh giản biên chế,  Hà Nội “đã làm rất quyết liệt”. Ông Nam cho rằng, chưa bao giờ Hà Nội cải tổ bộ máy biên chế, giảm nhiều số lượng đầu mối, số lượng lãnh đạo, quản lý như hiện tại.

Về trường hợp Sở Nội vụ có 8 phó giám đốc, ông Nam cho biết, tại thời điểm thực hiện Nghị định 24 (năm 2014) của Chính phủ, số lượng cấp phó của các sở chuyên môn đều đúng. Đến 2015, khi tổ chức ĐH Đảng thành phố và năm 2016 bầu cử chính quyền các cấp, có các cán bộ không đủ thời gian công tác theo quy định để tái cử cho nên phải nhận nhiệm vụ khác mặc dù không bị kỷ luật.

“Đây là việc liên quan đến chính sách cán bộ chứ không phải việc bổ nhiệm, đề bạt vượt số lượng theo quy định của Chính phủ”, ông Nam khẳng định.

Nói về vụ việc xảy ra ở Đồng Tâm (Mỹ Đức, Hà Nội), ông Nam cho biết, thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thanh tra. Sau khi có kết luận thanh tra thì trong vòng 7 ngày sẽ công bố theo quy định. Theo ông Nam, Bộ Công an cũng đang thanh tra việc công an thành phố Hà Nội bắt giữ người ở Đồng Tâm. HĐND thành phố Hà Nội đang giám sát và theo dõi các bước triển khai theo quy định pháp luật về vụ việc ở Đồng Tâm.

“Khi có kết luận thanh tra, sẽ tiến hành xử lý trách nhiệm. Ai đúng, ai sai, sai chỗ nào xử lý chỗ đó, cán bộ sai cũng sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật chứ không chỉ xin lỗi dân”, ông Nam nói. Ông Nam cũng thông tin thêm, trong diễn biến mới nhất, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội đã thống nhất với Viện Kiểm sát huyện Mỹ Đức đã có cáo trạng và sắp tới trong tháng 7 sẽ xét xử một số cán bộ, lãnh đạo của xã và cán bộ phòng chuyên môn của huyện có sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Mỹ Đức.

Chất vấn, tái chất vấn đến cùng

Dự kiến, HĐND thành phố Hà Nội sẽ dành một ngày cho phiên trả lời chất vấn (5/7) được truyền hình trực tiếp. Theo ông Nguyễn Hoài Nam, trên cơ sở tổng hợp ý kiến của cử tri, của các đại biểu, HĐND đã lựa chọn và chuyển 40 câu hỏi thuộc các lĩnh vực cho UBND thành phố trả lời bằng văn bản.

“Còn phiên chất vấn thì thành phố cũng học tập Quốc hội về phần tranh luận. Sau câu hỏi chất vấn và trả lời chất vấn, các đại biểu nếu đồng ý thì ghi nhận còn nếu có ý kiến phản hồi thì tiếp tục tranh luận đến lúc kết thúc”, ông Nam nói.

Theo ông Nguyễn Ngọc Tuấn, báo chí và cử tri quan tâm nhiều vấn đề dân sinh bức xúc về đô thị, về lòng đường vỉa hè, vấn đề giao thông, quy hoạch, cấp nước, thoát nước, cây xanh, an ninh nông thôn, tổ chức bộ máy...và có nhiều vấn đề đã chất vấn ở kỳ trước.

Ông Tuấn cũng nhấn mạnh, ở kỳ họp này, quán triệt nội dung rất rõ là chất vấn và tái chất vấn đến cùng. Kỳ họp dành nửa ngày để tái chất vấn trở lại những nội dung đã chất vấn tại kỳ trước để biết được UBND thành phố thực hiện đến đâu, chưa thực hiện cái gì, nguyên nhân, trách nhiệm thế nào đáp ứng mong mỏi của cử tri Thủ đô và nhân dân cả nước.

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội thống nhất với Viện Kiểm sát huyện Mỹ Đức đã có cáo trạng và sắp tới trong tháng 7 sẽ xét xử một số cán bộ, lãnh đạo của xã và cán bộ phòng chuyên môn của huyện có những sai phạm trong quản lý đất đai tại huyện Mỹ Đức.