Kinh tế đêm Hà Nội: Cần 'đặc sản' hút khách

TP - Du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, còn 70% doanh thu dịch vụ sẽ nằm ở khung giờ tối đến đêm. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, nếu không có đột phá ở các dịch vụ đêm thì rất khó khai thác được tiềm năng kinh tế đêm.  
Phố cổ Hà Nội – nơi còn nhiều tiềm năng khai phá kinh tế đêm

UBND quận Hoàn Kiếm, Hà Nội vừa hoàn thành xây dựng Đề án tổ chức thí điểm phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn quận và đang cáo báo thành phố Hà Nội xem xét phê duyệt để cho phép triển khai. Theo lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm, kinh tế đêm đã hình thành ở địa bàn quận từ nhiều năm nay với các loại hình như không gian đi bộ, chợ đêm, tuyến phố ẩm thực, cửa hàng tiện lợi, quán café, quán bar, vũ trường, karaoke và các sự kiện, chương trình văn hóa nghệ thuật, giải trí trong nhà, ngoài đường phố... vào ban đêm. Một số hoạt động đêm đã trở thành một nét sinh hoạt văn hóa, đời sống của một bộ phận người dân địa phương và địa điểm không thể bỏ qua của khách du lịch khi đến với Hoàn Kiếm.

65 cơ sở đủ điều kiện đăng ký tham gia thí điểm kinh doanh đến 2 giờ sáng các ngày cuối tuần  đạt được nhiều kết quả như: Doanh thu khoán bình quân một tháng trong năm 2017 của các cơ sở tham gia thí điểm tăng 55% so với năm 2016, năm 2018 tăng 30% so với năm 2017, năm 2019 tăng 10% so với năm 2018.

Một địa điểm ăn đêm trên địa bàn quận là tuyến phố Tống Duy Tân - ngõ Cấm Chỉ bắt đầu tổ chức từ năm 2003. Theo UBND quận Hoàn Kiếm, đây là điểm đến ấn tượng phục vụ tốt du khách trong và ngoài nước. Qua triển khai, chất lượng an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống (54 cơ sở, gồm 8 nhà hàng, khách sạn, 31 cửa hàng và 15 cơ sở thức ăn đường phố) trên tuyến phố được nâng cao, thu hút khách du lịch, nhất là thời điểm sau 18h hằng ngày.

Tuy nhiên, tuyến phố cũng có những hạn chế về chất lượng thực phẩm, việc dừng đỗ xe lộn xộn gây mất mỹ quan… UBND quận Hoàn Kiếm cũng chỉ ra những hạn chế đòi hỏi phải cải thiện. Đó là các hoạt động kinh tế đêm hiện nghèo nàn, đơn điệu, chỉ tập trung vào hoạt động ẩm thực, chợ đêm hoặc phố đi bộ. Các sản phẩm, dịch vụ du lịch đêm như tham quan di tích lịch sử, văn hóa (đền, chùa…) chưa thực sự phát triển.

Ngay cả việc kinh doanh đến 2 giờ sáng vẫn chưa đạt hiệu quả như mong đợi. Số lượng cơ sở đăng ký tham gia còn ít chủ yếu mới tập trung vào các loại hình quán bar, karaoke. Nguyên nhân là do chỉ tổ chức 2 ngày trong tuần nên chưa hình thành đội ngũ lao động chuyên về ban đêm, các cơ sở kinh doanh gặp khó khăn trong việc bố trí nhân viên làm thêm giờ. Sau 0h, lượng khách chủ yếu tập trung ở khu vực phố cổ và một số loại hình giải trí (bar, karaoke) nên chưa thu hút được các cơ sở kinh doanh tại khu vực khác, loại hình khác tham gia thí điểm.

Ðột phá từ đâu?

Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Hà Nội, nhận định, Đề án phát triển kinh tế đêm của quận Hoàn Kiếm thực chất vẫn chưa có những đột phá. Bởi đây chỉ đơn thuần là mở rộng thời gian hoạt động các nhà hàng, quán bar, phố đi bộ muộn hơn. Thực chất, nếu các hoạt động này chỉ giới hạn thời gian, nếu cứ mở mà không có du khách cũng rất đáng lo ngại. Theo ông Thản, cần đề xuất những dịch vụ nhạy cảm hoạt động đêm, tất nhiên cần quản lý chặt chẽ.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thúy, du lịch ban ngày chỉ chiếm 30%, còn 70% doanh thu dịch vụ nằm ở khung giờ tối đến đêm. Tuy nhiên, ở các thành phố lớn như Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng, nền kinh tế đêm mới chỉ dừng ở mức ăn uống, hay mua sắm.

Để ngành du lịch đêm phát triển, rất cần có dịch vụ đặc sắc để thu hút du khách. Việc phát triển được hay không phụ thuộc vào nhu cầu thực tế của du khách, chứ không phải tư duy của nhà quản lý. 

Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, đề án của UBND quận Hoàn Kiếm đang được UBND thành phố Hà Nội giao cho Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội đánh giá. Theo vị này, mở rộng hoạt động về đêm là một quá trình phát triển, một hành trình dài. Việc mở rộng các hoạt động, kéo dài thời gian hoạt động đến đêm kéo theo nhiều vấn đề về nhân lực phục vụ, bộ máy quản lý…