Kiến nghị có thêm chính sách hỗ trợ về thuế, phí cho công nghiệp ô tô

TPO - Đây là kiến nghị được ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) đưa ra tại hội thảo "Phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu ngành ô tô trong bối cảnh thích ứng với biến đổi khí hậu" do Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ (VASI) và các đơn vị tổ chức ngày 14/6 tại Hà Nội.

Theo ông Đào Công Quyết - Trưởng Tiểu ban Truyền thông Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) cho biết, công nghiệp ô tô Việt Nam là ngành tạo động lực quan trọng thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đang nằm trong giai đoạn duy trì thị trường nên rất cần những chính sách của Nhà nước về thuế phí nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển.

Việc hỗ trợ thuế, phí cũng giúp các doanh nghiệp tăng dung lượng thị trường, phát triển ngành công nghiệp phụ trợ, thu hẹp khoảng cách giữa CBU (xe được sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và nhập khẩu nguyên chiếc về Việt Nam) và CKD (xe lắp ráp trong nước có một số linh kiện đã được nội địa hoá), tạo dựng nền móng để các doanh nghiệp sản xuất ô tô chuyển sang giai đoạn tăng trưởng.

Theo đại diện Hiệp hội các nhà sản xuất Ô tô Việt Nam (VAMA), cộng đồng doanh nghiệp đang chờ đợi một hệ thống chính sách khuyến khích đồng bộ và đột phá, để đầu tư vào sản xuất, lắp ráp xe xanh. Chính sách phải khuyến khích và huy động được sự tham gia của mọi thành phần kinh tế trong nước; nâng cao năng lực cạnh tranh; thúc đẩy liên kết, hợp tác với các tập đoàn sản xuất ô tô lớn trên thế giới.

Phó Tổng thư ký Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam (VASI) TS. Trương Thị Chí Bình cho biết, tỷ lệ tổng giá trị sản phẩm công nghiệp ô tô từ 12% vào năm 2018 đã tăng lên 25% vào năm 2023. Xu thế của các doanh nghiệp là gia tăng giá trị sản phẩm. Thay vì tập trung vào linh kiện phụ tùng riêng lẻ, doanh nghiệp đã tập trung sản xuất cụm linh kiện, bắt đầu sản xuất thiết bị gốc (OEM) và hướng tới sản xuất thương hiệu gốc (OBM).

Theo Phó Cục trưởng, Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) Phạm Tuấn Anh, những năm gần đây, nhu cầu về phương tiện giao thông tại Việt Nam đang tăng nhanh và được đánh giá là một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp ô tô. Cùng với đó, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ cũng đang phát triển. Hiện những chương trình hợp tác quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ đang được triển khai mạnh mẽ, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, để tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Kết quả đạt được trong những năm gần đây là nhiều doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại Việt Nam như: Thaco, Hyundai Thành Công, VinFast… đang mở rộng đầu tư sản xuất ở quy mô lớn. Nhiều dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ có vốn đầu tư lớn được thực hiện tại Việt Nam để cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu. Có thể khẳng định, ngành công nghiệp ô tô cũng như công nghiệp hỗ trợ tại Việt Nam còn nhiều dư địa phát triển.