Kiểm tra năng lực vào ĐHQG Hà Nội: Tiện lợi, công bằng và bảo mật

TP - Một kỳ thi trắc nghiệm hoàn toàn bằng máy tính, hầu như không có tiêu cực, quay cóp, thi xong biết điểm ngay. Dù mới hoàn thành nửa chặng đường, song có thể coi đây là thành công đáng ghi nhận của ĐHQG Hà Nội trong nỗ lực đổi mới thi cử theo hướng ngày càng minh bạch, thuận tiện và bớt nhiêu khê cho thí sinh, gia đình và cả xã hội.
Thí sinh làm bài thi tại ĐHQG Hà Nội. Ảnh: Trung Hiếu.

Ông Nguyễn Kim Sơn, Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội, Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh của ĐHQG Hà Nội trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong về những vấn đề đặt ra xung quanh kỳ thi.

Một trong những điều dư luận băn khoăn trước kỳ thi là liệu có xảy ra tình trạng mất điện, nghẽn mạng… làm ảnh hưởng đến kỳ thi khiến cho thí sinh phải chuyển sang buổi thi tiếp theo. Thực tế kỳ thi đã diễn ra thế nào?

Trên thực tế, số thí sinh phải chuyển buổi thi giảm dần sau mỗi lượt thi. Sáng 30/5, trong tổng số thí sinh đăng ký dự thi 6.500 người có tới 95,52% có mặt, 47 trường hợp thí sinh phải chuyển ca thi sang chiều cùng ngày. Không có thí sinh, cán bộ coi thi nào bị kỷ luật. Chiều ngày 30/5/2015, có 20 trường hợp thí sinh phải chuyển ca thi sang sáng ngày 31/5; 3 thí sinh bị kỷ luật do mang điện thoại vào phòng thi. Sáng ngày 31/5, có 14 thí sinh phải chuyển ca thi sang buổi chiều cùng ngày, không có thí sinh, cán bộ coi thi nào bị kỷ luật.

Nhiều thí sinh quan tâm đến nội dung câu hỏi của kỳ thi đánh giá năng lực để có thể chuẩn bị cho kỳ tuyển sinh thứ 2 của ĐHQG Hà Nội vào tháng 8/2015. Ông có thể nói về điều này không?

Đây là một nội dung lớn liên quan đến cấu trúc của đề thi. Đề thi đòi hỏi một kiến thức rất tổng hợp. Cấu trúc đề thi gồm 180 câu hỏi bao gồm: phần 1 có 50 câu hỏi cho kiến thức toán học (tư duy định lượng) và phần 2 có 50 câu hỏi cho kiến thức Ngữ văn (tư duy định tính). Phần tự chọn, thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2 hợp phần: kiến thức Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc kiến thức Khoa học Xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân), mỗi hợp phần gồm 40 câu. Thí sinh sẽ làm bài trong thời gian 195 phút để đánh giá năng lực, gồm các kiến thức trong sách giáo khoa bậc trung học và nội dung tập trung chủ yếu (khoảng 70% nội dung) trong chương trình sách giáo khoa lớp 12.

Ông Nguyễn Kim Sơn.

Thi cử kiểu này sẽ chống được loại tiêu cực nào?

Đề thi của mỗi thí sinh do máy tính tổ hợp từ cơ sở dữ liệu nguồn và đến giờ thi, thí sinh mới biết đề thi của mình như thế nào. Bản thân quy trình tổ hợp đề này hạn chế được việc quay cóp, nhìn bài, sự hỗ trợ từ bên ngoài. Với 140 câu hỏi làm trong 195 phút, mỗi thí sinh làm một đề khác nhau, thi xong thí sinh biết kết quả ngay, cho thấy tính khách quan, công bằng, bảo mật của quy trình thi.

Thí sinh cần ôn tập thế nào để chuẩn bị cho kỳ thi kiểm tra năng lực này?

Một trong những mục tiêu để ĐHQG Hà Nội thiết kế phương thức thi đánh giá năng lực là nhằm góp phần thay đổi cách học lệch, học tủ, học trọng tâm hay học thuộc lòng của học sinh phổ thông. Đề thi có nhiều câu hỏi quan tâm đến vấn đề thực tiễn cuộc sống, đòi hỏi thí sinh phải hướng đến việc học để có một năng lực toàn diện.

Liệu đây có là hình thức thi cử trong tương lai mà ĐHQG Hà Nội sẽ đề xuất để thí sinh cả nước dự thi sau khi  nhiệm vụ thí điểm mà Bộ GD&ĐT giao cho ĐHQG Hà Nội thực hiện hoàn tất?

Kỳ thi đánh giá năng lực được tổ chức nhằm phục vụ công tác tuyển sinh vào bậc đại học chính quy ở ĐHQG Hà Nội. Chúng tôi nghĩ rằng, công nghệ, phần mềm, quy trình mà áp dụng trong kì thi đánh giá năng lực này có thể áp dụng cho quy mô lớn hơn.

Cảm ơn ông.       

2/3 tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên

Theo thông tin của Ban chỉ đạo tuyển sinh, kết thúc ca thi sáng 31/5, 1 điểm thi tại Hà Nội với 499 thí sinh, người đạt điểm cao nhất là 115/140 điểm, số thí sinh đạt điểm trung bình (70 điểm trở lên) là 352/499 em (chiếm 70,3%).

Theo đánh giá của Phó Giám đốc ĐHQG Hà Nội Nguyễn Kim Sơn, tỷ lệ 2/3 tổng số thí sinh đạt được điểm trung bình trở lên như vậy cho thấy khả năng phân loại thí sinh của bộ đề là hợp lý và tốt. Sự phân hóa thí sinh cũng khá rõ ràng.

Phó Giám đốc Nguyễn Kim Sơn cũng đánh giá, con số thống kê qua 2 ngày thi (30 và 31/5) cho thấy tỷ lệ thí sinh dự thi đánh giá năng lực vào ĐHQG Hà Nội ổn định ở mức 96%. Các con số trên cho thấy kỳ thi đánh giá năng lực của ĐHQG Hà Nội theo phương thức mới đã được xã hội đồng tình ủng hộ và hưởng ứng cao.

Kỳ thi cũng nhận được sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình từ hơn 1.000 sinh viên tình nguyện của ĐHQG Hà Nội, người nhà thí sinh được bố trí chỗ nghỉ ngơi thoáng mát, miễn phí nước uống. Hôm nay, các thí sinh tiếp tục dự thi đánh giá năng lực tại các cụm thi trên cả nước trừ Đà Nẵng và Thái Nguyên.