Thực hiện Kế hoạch kiểm tra việc thực hiện công tác phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC và CNCH) trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn vừa có cuộc làm việc với quận Cầu Giấy về công tác phòng cháy, chữa cháy.
Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND quận Cầu Giấy Trần Việt Hà cho biết, trong 9 tháng năm 2022, trên địa bàn quận xảy ra 24 vụ cháy và 17 sự cố cháy. Trong đó, 1 vụ cháy nghiêm trọng, 5 vụ cháy trung bình, 41 vụ cháy nhỏ. Nguyên nhân của các vụ việc chủ yếu là chập, quá tải điện (80%), sơ suất khi sử dụng lửa trần và các nguyên nhân khác (20%).
Hiện trên địa bàn quận có 6.553 cơ sở thuộc diện quản lý Nhà nước về PCCC; 609 cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy nổ; 12 cơ sở nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh hàng hóa, chất dễ cháy. Nhằm hạn chế những vụ hỏa hoạn có thể xảy ra, trong thời gian qua, các đơn vị trên địa bàn quận đã triển khai thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, kiến thức pháp luật về PCCC với nhiều biện pháp, hình thức theo từng nhóm đối tượng.
Công an quận đã tổ chức kiểm tra 1.826 lượt; phối hợp với UBND phường lập biên bản xử phạt 66 trường hợp/88 lỗi vi phạm về PCCC với tổng số tiền phạt gần 447 triệu đồng. Đoàn kiểm tra liên ngành quận đã tổ chức kiểm tra 100% cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke, quán bar, vũ trường. Qua đó, phát hiện 19 cơ sở khó có khả năng khắc phục tồn tại về PCCC để tiếp tục hoạt động, lập biên bản vi phạm hành chính 164 lỗi.
Đặc biệt, trên địa bàn quận có 194/208 khu chung cư, nhà cao tầng vi phạm quy định về PCCC. Trong đó, 85/208 cơ sở vi phạm về trang bị phương tiện PCCC; 51 cơ sở vi phạm về hồ sơ quản lý; 41 cơ sở vi phạm về bảo hiểm cháy nổ bắt buộc; 35 cơ sở vi phạm về đường, lối thoát nạn…
Sửa đổi điều kiện chặt chẽ hơn với kinh doanh karaoke
Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Lê Hồng Sơn yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương; nâng cao vai trò trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền trong việc rà soát, xử lý, tái kiểm tra các cơ sở vi phạm về PCCC, quán karaoke trên địa bàn. Đồng thời, cần đầu tư mua sắm trang bị các phương tiện chữa cháy tại chỗ từng bước đáp ứng tốt hơn, phù hợp với đặc thù của từng phường.
Với công tác tuyên truyền, ông Sơn lưu ý phải đi trước một bước. “Đến từng nhà, gõ từng cửa để cung cấp cho người dân các thông tin về tình hình cháy, nổ và công tác PCCC trong thời gian qua; các biện pháp phòng tránh và công tác cứu nạn cứu hộ khi có sự cố cháy xảy ra. Vận động nhà ở hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh mở thêm lối thoát nạn thứ 2”, ông Sơn nhấn mạnh.
Để đảm bảo công tác PCCC trên địa bàn quận Cầu Giấy nói riêng, toàn TP nói chung đem lại hiệu quả, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng rà soát họng nước chữa cháy trên toàn địa bàn; bể chứa nước, xe cung cấp nước, tham mưu xây dựng cơ chế phối hợp trên toàn TP khi có sự cố. Sở VH&TT nghiên cứu đề xuất sửa đổi việc kinh doanh karaoke với điều kiện chặt chẽ hơn; làm rõ trách nhiệm vai trò quản lý nhà nước, nhất là với các cơ sở karaoke chui…