> Hám lợi, đạo đức dễ méo mó
> Cùng lên án, tẩy chay doanh nghiệp xả thải bẩn
> Đạo đức hay pháp luật?
Giá đắt
Đặc điểm của những DN bị phát hiện xả thải độc hại ra môi trường, từ Vedan, Sonadezi đến Thái Tuấn, đều thể hiện chủ ý của DN khi ngay từ lúc xây dựng nhà máy, họ đã lén lút chôn ngầm ống xả nước thải không qua xử lý, song song với hệ thống nước xả thải qua xử lý để ngụy trang, che mắt thiên hạ.
Với Vedan, không biết DN này kiếm được bao nhiêu tiền từ việc xả thải trộm ra môi trường, nhưng cái giá họ phải trả là quá lớn. Riêng số tiền phải bồi thường cho dân và nộp cho cơ quan nhà nước khoảng 350 tỷ đồng, trong đó 220 tỷ đồng đền bù cho nông dân quanh lưu vực sông thị Vải.
Chưa kể, sản phẩm của Vedan bị hệ thống siêu thị và người tiêu dùng tẩy chay, thương hiệu bị tổn thương mà không biết đến bao giờ mời có thể gây dựng lại.
Trong khi những vụ việc nêu trên chưa kịp lắng xuống trên địa bàn tỉnh Đồng Nai và cả nước, thì đến lượt Cty CP dịch vụ Sonadezi bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn ra môi trường. Vụ việc đã khiến dư luận thật sự ngỡ ngàng bởi đây là một đơn vị của Tổng Cty Sonadezi Đồng Nai, một DN nhà nước, đã được tặng danh hiệu Anh hùng và là một thương hiệu nổi tiếng về xây dựng cơ sở hạ tầng khu công nghiệp.
Chưa kể, lâu nay DN này còn được coi là hình mẫu về bảo vệ môi trường. Ngỡ ngàng hơn nữa Sonadezi lại là DN làm dịch vụ xử lý nước thải cho khoảng 40 DN khác trong KCN Long Thành.
Tỉnh Đồng Nai buộc các DN phải đưa nước thải vào nhà máy xử lý nước thải tập trung của Sonadezi cũng với mục đích kiểm soát chặt chẽ chất lượng nước thải đầu ra để bảo vệ môi trường. Với quy định này, hằng tháng các DN đã đóng hàng tỷ đồng phí xử lý nước thải cho Sonadezi. Khi sự việc vỡ lở, chính ông Lê Viết Hưng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đồng Nai phải thốt lên: “Thật sự bất ngờ!”.
Tuy nhiên, nghịch lý là Sở này lại công bố từ khi đưa vào hoạt động (năm 2004) đến nay, nhà máy xử lý nước thải tập trung của Sonadezi không thể xử lý đạt về độ màu và mỗi lần kiểm tra Sonadezi lại bị xử phạt về hành vi vi phạm quy định về bảo vệ môi trường.
Mất lòng tin
Cơ quan chức năng bất ngờ trước hành vi của Sonadezi, nhưng với người dân và chính quyền xã Tam An thì không ai bất ngờ.
Ông Nguyễn Văn Trai một người dân ở ấp 2, xã Tam An nói: “Người dân chúng tôi gửi đơn thưa đã nhiều, nhưng cơ quan chức năng có trả lời cũng cho rằng nước thải của nhà máy có màu, có mùi nhưng đạt tiêu chuẩn. Bây giờ mới biết kiểm tra lần nào nhà máy cũng bị xử phạt, người dân chúng tôi đã bị lừa dối”.
Còn ông Võ Văn Luật, Chủ tịch UBND xã Tam An cũng nhìn nhận: “Chúng tôi không có chức năng kiểm tra nhà máy và cũng không thể biết nước thải nhà máy ô nhiễm ra sao, nhưng nhìn bằng mắt thường thấy nước đen như thế này cũng đã biết nguồn nước bị ô nhiễm rồi”. Ông Luật cũng chỉ biết khuyên người dân, đừng lội sông, đừng dùng nước sông để tránh bệnh tật.
Nói đến Vedan vi phạm xả thải vi phạm quy định về môi trường, cơ quan chức năng xác định doanh nghiệp này xả thải trung bình mỗi ngày đêm 5.000m3 nước. Nhưng nhà máy xử lý nước thải của Sonadezi xả tới 9.000m3 ngày đêm.
Trong khi đó Vedan chỉ là một doanh nghiệp sản xuất, còn nhà máy xử lý nước thải Sonadezi lại là nơi tập trung xử lý nước thải có thu tiền của hàng chục doanh nghiệp tại KCN Long Thành và quan trọng hơn đây lại là nơi gác cửa kiểm soát nguồn nước thải.
Thật kinh khủng nếu Sonadezi cố tình vi phạm để khiến lợi nhuận, nguồn lợi nhuận khổng lồ này chảy vào đâu? Lượng nước thải từ nhà máy xử lý nước thải của Sonadezi đã góp phần đầu độc sông Đồng Nai với khối lượng bao nhiêu? Mức độ ảnh hưởng đến cuộc sống người dân như thế nào? Những câu hỏi này làm người dân bức xúc và đang chờ lời giải đáp từ phía cơ quan điều tra.
Khi Vedan bị cơ quan chức năng phát hiện hành vi vi phạm môi trường, trả lời trước báo chí, điều đầu tiên ông Tổng giám đốc người Đài Loan làm là cúi đầu gửi lời xin lỗi đến người dân Việt Nam.
Còn với vụ việc của Sonadezi dù đã bị cơ quan chức năng phát hiện lập biên bản hành vi vi phạm xả nước thải chưa đạt tiêu chuẩn, nhưng cho đến lúc này, đề cập trách nhiệm trong hành vi vi phạm của Cty CP dịch vụ Sonadezi, bà Đỗ Thị Thu Hằng, Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng giám đốc Tổng Cty Sonadezi (cũng là đại biểu Quốc hội khóa XIII) khi buộc phải trả lời cử tri lại nói như một người ngoài cuộc: “Chúng tôi đang chờ kết luận của cơ quan chức năng”.
Người dân đòi Sonadezi bồi thường hơn 7 tỷ đồng
Trong buổi đối thoại, ghi nhận ý kiến người dân về việc yêu cầu Cty CP Sonadezi đền bù thiệt hại do hành vi xả nước thải gây ô nhiễm môi trường, chiều ngày 19-8, ông Võ Văn Luận, Chủ tịch UBND xã Tam An (huyện Long Thành) khẳng định:
“Chính quyền sẽ đồng hành cùng người dân trong việc yêu cầu Cty Sonadezi bồi thường thiệt hại, khi có kết luận của cơ quan chức năng”. Trước mắt, UBND xã Tam An chỉ đạo Hội Nông dân xã nhận đơn của người dân và ghi nhận những ý kiến phản ánh.
Hội Nông dân xã Tam An công bố, đến ngày 19-8, đã nhận được 150 đơn của người dân địa phương trình bày bị thiệt hại về cây trồng, vật nuôi do nguồn nước bị ô nhiễm đồng thời yêu cầu Cty CP Sonadezi bồi thường trên 7 tỷ đồng.
Ông Võ Văn Luận cũng cảnh báo hiện nay đã xuất hiện tình trạng cò làm đơn khiếu kiện nhằm trục lợi từ người dân trong việc yêu cầu đòi Sonadezi bồi thường.
Theo nguồn tin riêng của Tiền Phong, ngày 19-8, Sở Tài nguyên- Môi trường Đồng Nai đã có kết quả kiểm nghiệm mẫu nước thải từ nhà máy XLNT Long Thành (do Sở này lấy mẫu) với hàng loạt chỉ tiêu không đạt chuẩn quy định.