Kiểm soát giá và phí

TP - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo trao đổi về khả năng hiện thực hóa năm quy hoạch ngành quan trọng vừa được thông qua, trong đó có quy hoạch phát triển y tế, giáo dục.

> Hà Nội: Thanh tra 30 dự án đất để hoang

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo.

Thưa ông, năm quy hoạch ngành mà HĐND TP Hà Nội thông qua sẽ được hiện thực hóa như thế nào?

Năm quy hoạch mà UBND TP trình HĐND TP đều là các quy hoạch chuyên ngành hết sức quan trọng khi Hà Nội triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt như về nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ rồi giáo dục, y tế.

Mỗi quy hoạch đều phải tính đến nguồn vốn để thực thi quy hoạch. Tôi cũng lưu ý, đây là quy hoạch 10 năm, có những mục tiêu trong quy hoạch là tầm nhìn và định hướng cho 20 năm sau.

Theo tính toán, Hà Nội cần bao nhiêu tiền để hiện thực hóa 5 quy hoạch này?

Các quy hoạch này đã được cân đối khả năng chi trả trong cả quy hoạch tổng thể.

Vấn đề bây giờ là làm sao huy động được nguồn vốn ngoài ngân sách. UBND TP đã tính toán, sau khi HĐND thông qua thì sẽ ban hành cơ chế chính sách để huy động được nguồn vốn hấp dẫn.

Có một thực tế, nếu nguồn vốn xã hội hóa được đáp ứng nhiều thì sẽ dẫn tới hiện tượng lạm thu, tận thu. Hà Nội sẽ cân đối nguồn vốn như thế nào?

Khi xã hội hóa thì một trong những vấn đề đặt ra là chúng ta phải kiểm soát được vấn đề về giá và thu phí. Đây chính là vấn đề phải khắc phục trong công tác xã hội hóa.

Sau ba ngày làm việc, hôm qua, kỳ họp thứ 4 HĐND TP Hà Nội khóa XIV đã bế mạc với việc thông qua 5 Nghị quyết quy hoạch chuyên ngành về các lĩnh vực: Nông nghiệp, giáo dục đào tạo, y tế, công nghiệp, thương mại và cơ chế, chính sách hỗ trợ khuyến khích phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.

Hà Nội đặt mục tiêu đến năm 2020, sản phẩm chế biến chiếm 65%, dịch vụ chiếm 25% tổng kim ngạch xuất khẩu của Thành phố.

Nguyễn Tú ghi

Theo Báo giấy