Kịch hóa tuyên truyền về bầu cử Quốc hội

TPO - Xem các diễn viên là bà con, hàng xóm diễn kịch trên sân khấu, hàng trăm người dân vỗ tay rầm rầm. Đặc biệt, nội dung những vở kịch, phần thi vấn đáp đều có nội dung tuyên truyền về bầu cử ĐBQH khóa XIV và ĐB HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 – 2021.  

20h một ngày cuối tháng 4, nhà văn hóa thôn Đông xã Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) tập trung hàng trăm người. Nhiều người bế cả con nhỏ đến dự chương trình. Cùng với hàng chục điểm dân cư khác trong huyện, 4 cụm dân cư thôn Đông tổ chức chương trình Sinh hoạt cộng đồng tìm hiểu Luật Bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND, tuyên truyền đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống. Người xem mỗi lúc một đông, nhiều người phải đứng ngoài đường vì sân không đủ chỗ ngồi. 

Trước giờ thi và biểu diễn năng khiếu, ông Đỗ Quốc Phòng, cụm trưởng cụm dân cư số 7 cho biết, đội của ông mới chuẩn bị từ chiều. Đội của ông cùng với 3 đội khác sẽ thi trả lời câu hỏi của ban cố vấn với các nội dung về ngày bầu cử, về Nghị quyết Đại hội Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước. 

Theo ông Phòng, hình thức lồng ghép này phù hợp với người dân vì nhiều người muốn biết sâu hơn về quyền lợi, nghĩa vụ của mình sẽ nắm rõ hơn thông qua các câu hỏi và câu trả lời của các đội thi.

Không khí vui tươi của bà con nhân dân thôn Đông xã Phụng Thượng (Phúc Thọ, Hà Nội) xem kịch về bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND trong buổi sinh hoạt cộng đồng. Ảnh: Trường Phong

Cầm trên tay tờ giấy viết lời giới thiệu bằng thơ, bà Trương Thị Thủy, cụm dân cư số 5 vừa đi vừa lẩm nhẩm. Thỉnh thoảng, bà lại gần 4 người trong đội để tập luyện trước khi ra sân khấu. Bà Thủy cho biết, đội của bà sẽ diễn một vở kịch ngắn khoảng 5 phút về nội dung bầu cử. Lúc bà Thủy diễn, thấy người quen trên sân khấu, nhiều người vỗ tay rầm rầm. 

Bà Cấn Thị Ngân (61 tuổi) bế cháu 3 tuổi đứng xem, bày tỏ hình thức này vui, giúp bà hiểu thêm về bầu cử. Bà sẽ về nói lại cho con cháu trong nhà biết thêm về quyền và nghĩa vụ khi đi bầu cử. Cạnh đó, bà Cấn Thị Thiết, 53 tuổi cũng cho biết, dù nghe tuyên truyền nhiều, nhưng hình thức kịch hóa, trả lời câu hỏi này dễ hiểu hơn. “Về nhà tôi sẽ hướng dẫn thêm cho chồng, con”, bà Thiết nói.

Đến cụm dân cư số 6 thị trấn Phúc Thọ, dù đã gần 22h, nhưng hàng trăm người dân vẫn nán lại xem phần thi của Đoàn Thanh niên và Hội Cựu chiến binh. Khuất Đình Trung (21 tuổi) chia sẻ, phần thi trả lời câu hỏi giúp Trung hiểu thêm về luật bầu cử. Trung bảo sẽ truyền lại kiến thức cho đoàn viên thanh niên khác. Năm nay Trung sẽ đi bầu cử lần đầu tiên.

Nhà gần điểm tổ chức sinh hoạt cộng đồng nên bà Nguyễn Thị Nguyệt (48 tuổi) đến từ rất sớm. Bà Nguyệt chăm chú theo dõi từng phần thi và biểu diễn văn nghệ. Bà bảo, vừa được nghe hát, xem diễn kịch, vừa hiểu thêm về quyền, nghĩa vụ của công dân khi bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND. “Tổ chức thế này dễ hiểu hơn, tôi hiểu được nhiều hơn. Nhà tôi có 6 người đều đủ quyền đi bầu vào dịp tới. Con trai, con gái, dâu rể đủ cả. Đến tuổi là đi, nghĩa vụ mà, nhưng chưa đến ngày đâu. Phải 22/5 mới đi”, bà Nguyệt nói. 

Cũng theo bà Nguyệt, đợt tới, khi có hội nghị tiếp xúc cử tri, bà sẽ kiến nghị, nêu vấn đề về tình hình rác thải, an toàn vệ sinh thực phẩm ở địa phương. “Mình phải kiến nghị với các đại biểu để họ nói giúp, giải quyết vấn đề này”, bà Nguyệt nói. 

Trao đổi với phóng viên, ông Ngọ Duy Hiểu, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ cho biết, đây là một trong những hoạt động đổi mới tuyên truyền của huyện hướng tới ngày hội bầu cử 22/5 và đưa nghị quyết Đại hội Đảng vào cuộc sống. Dịp này, Phúc Thọ tổ chức các buổi sinh hoạt cộng đồng lồng ghép tuyên truyền về bầu cử ĐBQH và ĐB HĐND ở 94 điểm dân cư và 5 cơ quan, tổ chức. 

Theo ông Hiểu, các buổi sinh hoạt sẽ giúp bà con tìm hiểu các quy định của luật bầu cử, nhất là những quy định gắn chặt với quyền của cử tri, cách thức tiến hành bầu cử, phiếu bầu. “Việc sân khấu hóa là hình thức rất dễ hiểu, bà con dễ nhớ và sẽ thực hiện tốt quyền lợi chính trị quan trọng của mình, tham gia bầu cử đầy đủ, đúng luật, trách nhiệm để lựa chọn những người xứng đáng vào cơ quan quyền lực nhà nước”, ông Hiểu nói.