Khu tái định cư view hồ thành ‘bãi rác’ ở Hà Nội

TPO - Giữa bối cảnh giá chung cư leo thang, giấc mơ sở hữu nhà Hà Nội của nhiều người ngày càng xa vời, thì hình ảnh ba tòa tái định cư cao tầng bên hồ Đền Lừ bị bỏ hoang khiến nhiều người không khỏi xót xa.

Theo tìm hiểu, dự án nhà tái định cư Đền Lừ III phục vụ việc giải phóng mặt bằng khu di dân Đền Lừ III, quận Hoàng Mai.

Dự án xây dựng và hoàn thiện vào năm 2017, bao gồm ba tòa chung cư cao hơn 10 tầng tại vị trí “đắc địa” trên phố Tân Mai.

Mặc dù hoàn thiện từ năm 2017 nhưng đến nay ba tòa nhà tái định cư vẫn chưa được đưa vào sử dụng, và đang lộ rõ những dấu hiệu xuống cấp ở một số hạng mục.

Một mặt của khu tái định cư Đền Lừ III ngổn ngang phế liệu và được tận dụng làm nơi đỗ xe.

Khu nhà được xây dựng khang trang nhưng đã trở nên hoang tàn do không được bảo dưỡng và tu sửa.

Rác thải, phế liệu ngập tràn xung quanh khu nhà, mặc dù đã có biển cấm.

Cơ sở vật chất xuống cấp do không được tu sửa và bảo dưỡng thường xuyên. Bên trong sảnh tầng 1 của khu tái định cư hồ Đền Lừ III, sàn nhà la liệt quần áo cũ, bìa cứng, rác thải.

Hình ảnh tòa nhà tái định cư khang trang nhưng không có người về ở, mà trở nên nhếch nhác, làm chỗ ngủ tạm của nhiều người khiến dư luận không khỏi xót xa.

Theo nhiều người, các dự án tái định cư được xây dựng với mục đích cung cấp nơi ở ổn định, cho các hộ dân phải di dời khỏi những khu vực bị quy hoạch hoặc giải tỏa. Tuy nhiên, thay vì mang lại một cuộc sống mới tốt đẹp hơn, nhiều căn hộ bên hồ Đền Lừ lại bị bỏ hoang là vô cùng lãng phí.

Nâng cao cơ sở vật chất

Theo các chuyên gia, nguyên nhân dẫn tới hiện trạng đau lòng vừa nêu tới từ nhiều phía. Trước tiên là việc quản lý và sử dụng các khu nhà tái định cư chưa hiệu quả, dẫn đến tình trạng bỏ hoang.

Đồng thời, việc những tòa nhà được xây dựng tốn kém để phục vụ tái định cư nhưng bị bỏ hoang và bất đắc dĩ trở thành nơi ngủ tạm của nhiều người qua đường, sẽ gây mất mỹ quan đô thị và tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh trật tự.

Để giải quyết tình trạng này, cần có sự chung tay của nhiều bên. Trước hết, chính quyền địa phương cần có những biện pháp quản lý, duy tu và sử dụng hiệu quả hơn các khu nhà tái định cư.

Trước đó, trao đổi với Tiền Phong, lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng quận Hoàng Mai cho biết, công trình trên đã hoàn thiện từ cuối năm 2017, tuy nhiên đến nay chưa được nghiệm thu do công trình còn một số tồn tại cần khắc phục.

Mô hình tái định cư bên cạnh việc đảm bảo chỗ ở, còn phải tạo ra chất lượng cuộc sống cho người đến ở.

Còn theo TS.KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam, việc nhà tái định cư bị bỏ hoang một phần là do công tác quy hoạch.

Bởi lẽ, chủ trương hiện nay chỉ giải quyết chỗ ở, trong khi đó, để có thể sống được tại nơi ở mới, người dân phải có lương, có trợ cấp thích hợp. Bên cạnh đó, người dân cũng cần có nguồn lực tạo ra thu nhập để duy trì cuộc sống.

Do đó, mô hình tái định cư bên cạnh việc đảm bảo chỗ ở, còn phải tạo ra chất lượng cuộc sống cho người đến ở. Đồng thời, cần chú trọng đến cơ sở vật chất, đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội như: Trường học, chợ, sân chơi, nhà trẻ,…