Khu du lịch không phép trong vùng lõi Tràng An

TP - Núi Cái Hạ thuộc phạm vi rừng đặc dụng trong vùng lõi Quần thể danh thắng Tràng An (Di sản Tràng An, tỉnh Ninh Bình), khu vực đã được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt quan trọng và được Tổ chức UNESCO công nhận là di sản thế giới kép từ năm 2014. Tuy nhiên, mới đây một công trình “khủng” xây dựng không phép đã “mọc” trên ngọn núi này.
Hàng nghìn bậc bê tông được xây dựng trái phép tại khu Di tích Tràng An. Ảnh: Minh Đức.

Theo kết quả kiểm tra của Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình, khoảng tháng 8/2017, ông Nguyễn Văn Son - Giám đốc Cty CP Du lịch Tràng An đã tự ý đầu tư mở điểm du lịch và đặt tên là “Tràng An Cổ” tại thôn Trường An (xã Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình). Sau đó, ông Son tự ý cho khoan núi Cái Hạ dựng cột bê tông, xây bậc thang lên xuống đỉnh núi với khoảng 2.000 bậc, chiều dài khoảng 1km khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép.

Phát hiện sự việc, Sở Du lịch Ninh Bình đã phối hợp cùng các ngành chức năng và chính quyền địa phương nhiều lần kiểm tra, lập biên bản yêu cầu ông Son dừng mọi hoạt động xây dựng và tháo dỡ toàn bộ công trình xây dựng trái phép, hoàn trả cảnh quan khu di sản. Được biết, khu vực núi Cái Hạ là vũng lõi di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới cần được bảo vệ nghiêm ngặt, cấm xây dựng. Do đó, Sở Du lịch đã đề nghị UBND huyện Hoa Lư khẩn trương xử lý vi phạm theo thẩm quyền.

Tuy nhiên, ngày 3/3/2018, ghi nhận của Tiền Phong cho thấy, hàng trăm ô tô lớn nhỏ với hàng nghìn du khách vẫn đổ về đây để vãn cảnh. Hiện khu vực này mở cửa tự do và thu 45.000 đồng đối với du khách đi thuyền vãn cảnh sông nước.

Ngày 5/3, trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Mạnh - Phó giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình cho biết, hôm 4/3 Bộ Văn hoá thể thao và Du lịch đã phối hợp với Sở Du lịch về Tràng An tiến hành kiểm tra, lập biên bản đình chỉ hoạt động tại khu vực có công trình không phép. Do đây là công trình không phép, không được kiểm tra chất lượng, tiềm ẩn nhiều rủi ro, nên ông Mạnh cũng khuyến cáo các công ty lữ hành và du khách không nên về khu vực “Tràng An Cổ”.

Được biết, cùng ngày, ông Nguyễn Văn Son - chủ nhân công trình sai phép đã cắm cọc, cắm biển cấm người qua lại khu vực sai phạm.