Tiền tỷ bị lãng phí
Để triển khai các dự án giao thông, từ 2015 - 2017, Ban Quản lý (BQL) các dự án giao thông đã phải bỏ ra một nguồn kinh phí lớn đánh chuyển và chăm sóc cây hàng năm. Tuy nhiên, do chưa có kế hoạch tái sử dụng rõ ràng nên có nhiều cây bị chết trong vườn ươm.
Theo ghi nhận của PV tại vườn ươm Yên Sở, có nhiều cây xà cừ đường kính lớn chết khô, vỏ bong tróc dù bộ rễ vẫn được bọc đúng quy trình. Theo đơn giá hiện nay, với cây xà cừ đường kính trên 50 cm, chi phí ngân sách chi trả khi chặt hạ 1 cây xà cừ (gồm kinh phí chặt hạ, vận chuyển) là 14,4 triệu đồng. Đối với dịch chuyển cây, chi phí đội lên cao hơn do có nhiều công đoạn như: cắt tỉa, máy cẩu, lấp đất, công chăm sóc tại vườn… lên tới 25,3 triệu đồng/cây. Thực tế, một số chuyên gia cho rằng, chi phí thực tế đánh chuyển phải cao gấp đôi con số trên bởi quá trình chăm sóc mất rất nhiều công sức và tiền bạc.
Theo Phó Tổng giám đốc Cty Công viên cây xanh Hà Nội Nguyễn Xuân Hưng, hầu hết xà cừ được trồng trên các tuyến phố không được thường xuyên chăm sóc nên cây phát triển tự nhiên là vươn ra chỗ sáng, có hình dáng to, bị nghiêng, cong không bảo đảm mỹ quan đô thị.
Ông Hưng phân tích: “Thân gỗ xà cừ thuộc nhóm 5, không có giá trị cao về kinh tế. Bộ rễ xà cừ cần không gian phát triển lớn trong khi vỉa hè Hà Nội hẹp, nhà cửa nhiều, công trình ngầm ngay sát nên thiếu đất cho rễ cây phát triển dẫn đến tán cây nặng, mất cân đối, dễ đổ khi mưa bão”. Mặt khác, ông Hưng cũng thừa nhận, việc tái sử dụng là rất khó khăn và tốn kém, bởi cần có một diện tích lớn mới đủ cho cây xà cừ phát triển. Ngoài ra, trong danh mục quy hoạch cây xanh đô thị không có tên xà cừ nên chưa cơ quan nào đưa ra phương án tái sử dụng cụ thể.
Mới đây, trong cuộc tiếp xúc cử tri tại quận Hoàn Kiếm, khi nói về kế hoạch dịch chuyển 1.300 cây xanh trên đường Phạm Văn Đồng, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung khẳng định: “Không thể trồng lại xà cừ tại các tuyến phố được”. Ông Chung lý giải, cây xà cừ khi đánh lên bộ rễ có đường kính khoảng 3m, tới đây phải đào hố 3,5m mới cho cây xuống được và ít nhất sâu 1,5m, phải có cọc 25m chống trong vòng 3-4 năm. Lúc đó rễ ăn sâu vào lòng đất mới sống được.
“Một cây phải bỏ mất chục triệu tiền đánh chuyển xong lại mất công chăm sóc mà chưa biết cây này trồng ở đâu. Tôi khẳng định là không thể trồng ở các tuyến phố được mà chỉ có thể đem ra các công viên trồng. Trong một công viên cũng không có một nước nào trồng tất cả các cây xà cừ, bởi còn để đất trồng hoa và các loại cây khác”, ông Chung nói. Theo tính toán, số tiền dành cho việc đánh chuyển cây xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng, có thể mua trồng mới được 15 - 18.000 cây có đường kính lớn nằm trong quy hoạch.
Dành kinh phí đánh chuyển xà cừ để trồng cây mới?
Ông Đào Xuân Lâm, Giám đốc Cty Phát triển nông nghiệp công nghệ môi trường (đơn vị thực hiện dự án trồng 2.900 cây xanh) nhận định: Tháng 9/2016, Cty bắt đầu thi công gói thầu trồng cây xanh dọc sông Sét, sông Lừ. Đến nay, chưa đầy một năm, các cây phượng lát hoa… có giá khoảng 3 triệu đồng/cây, đa phần phát triển tốt, cây lá xum xuê, có bóng mát.
Theo ông Lâm, bài toán thay thế xà cừ là hợp lý bởi xà cừ vốn không có trong danh mục cây đô thị. Đi các nước trên thế giới, gần như không có nơi nào trồng xà cừ trong thành phố. “Tại các hội thảo về cây xanh, các chuyên gia đều khẳng định, cây xà cừ, cây bàng không nên trồng trong đô thị”, ông Lâm nói.
Bên cạnh đó, xà cừ là cây có bộ rễ nổi không phải rễ chìm, có thể dễ nhận thấy gạch lát quanh cây xà cừ thường bị bung hết lên vì thế. Nếu không cắt tỉa cành thường xuyên, mưa bão rất dễ quật ngã cây xà cừ. Hàng năm đã có rất nhiều vụ tai nạn vì gẫy cành, đổ cây xà cừ. Vì vậy, những cây xà cừ quá lớn, có nguy cơ mất an toàn, không đảm bảo khả năng làm cảnh quan nữa thì có thể chặt bỏ để thay thế dần bằng những cây khác phù hợp hơn, không phải cứ xà cừ là chặt hết.
“Xem xét về chi phí trồng cây hàng chục năm, chi phí cắt tỉa cành hàng năm thì trồng mới những cây phù hợp sẽ tiết kiệm chi phí mà hiệu quả phủ xanh rất cao”, chuyên gia nói.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Ngô Quang Đê, nguyên Trưởng khoa Lâm sinh (Trường Đại học Lâm nghiệp) nhận định: Xà cừ không phải là cây bản địa của Việt Nam, trong khi đó phố phường Hà Nội có vỉa hè quá hẹp, nhà cửa san sát không có chỗ để rễ xà cừ phát triển. Để đảm bảo an toàn mùa mưa bão, người ta lại chặt cành không theo quy trình tạo tán, do đó nhiều cây xà cừ hiện nay không đảm bảo tán che mát. Ông Đê đề xuất cây xanh Thủ đô cần có những yếu tố đặc thù: chống chịu gió bão, tán có hình khối vừa tạo dáng vừa che bóng mát được, cây ít sâu bệnh.