Hai Cty khai thác vàng nợ thuế gần 400 tỷ đồng:

Không thể xuất 400kg vàng

TP - Ngày 1/12, ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Quảng Nam cho biết: Phó Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo Quảng Nam và cơ quan chức năng dừng, tiến hành kiểm tra và tính toán lại việc xuất bán gần 400 kg vàng của 2 Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu sao cho phù hợp.
Dù còn nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, nhưng 2 Cty Vàng Phước Sơn và Bồng Miêu vẫn xin bán gần 400kg vàng nguyên liệu?

Trước đó, dù chây ì nộp thuế hàng trăm tỷ đồng, nhưng 2 Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (thuộc Tập đoàn Besra VN) vẫn được Ngân hàng nhà nước (NHNH) “xin” Chính phủ cho phép bán ra nước ngoài gần 400kg vàng nguyên liệu.

Không thu hồi được giấy chứng nhận đầu tư

Theo Cục Thuế Quảng Nam, đến 30/6/2015, tổng số tiền thuế nợ và tiền chậm nộp của 2 Cty trên là 385 tỷ đồng. Riêng Cty TNHH vàng Phước Sơn là hơn 302 tỷ đồng, trong đó nợ trên 90 ngày phải cưỡng chế theo quy định là hơn 289 tỷ đồng. Từ năm 2014 đến nay, Cục Thuế Quảng Nam đã áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo quy định, gồm: trích tiền từ tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng, cưỡng chế kê biên tài sản,… nhưng vẫn chưa thu được thuế nợ vào ngân sách nhà nước.

Mới đây, Cục Thuế Quảng Nam có văn bản đề nghị UBND tỉnh thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư (GCNĐT) do tỉnh cấp cho Cty Vàng Phước Sơn. Tuy nhiên, Sở KH&ĐT cho biết không thể thu hồi. Theo ông Lê Phước Hoài Bảo, Giám đốc Sở, Cty TNHH Vàng Phước Sơn được Bộ KH&ĐT cấp Giấy phép đầu tư (số 2355 ngày 20/10/2003) và được UBND tỉnh Quảng Nam cấp GCNĐT (số 331022000010 ngày 8/7/2008), mã số thuế do Cục Thuế tỉnh Quảng Nam cấp ngày 25/11/2003 với các chức năng khai thác, chế biến vàng và khoáng sản đi kèm. Theo Điều 48 của Luật Đầu tư năm 2014, trong 8 trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án, Cty TNHH Vàng Phước Sơn không thuộc trường hợp thu hồi GCNĐT.

“Hiện Cty TNHH Vàng Phước Sơn hoạt động theo Luật Đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là giấy đăng ký kinh doanh và Cty chưa thực hiện việc cấp tách giấy chứng nhận đầu tư theo quy định mới nên việc thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp là chưa thực hiện được”, ông Bảo cho biết.

Xin bán vàng ra nước ngoài

Mới đây, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Thị Hồng ký tờ trình số 124 gửi Thủ tướng Chính phủ đề nghị cho phép Cty Vàng Bồng Miêu và Cty TNHH Vàng Phước Sơn xuất khẩu gần 400 kg vàng. Theo đó, tháng 7/2015, NHNN nhận được hồ sơ xin cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu của Cty Vàng Bồng Miêu với khối lượng 175kg và Cty Vàng Phước Sơn với khối lượng 200kg để hai Cty có thể tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh, sản xuất có nguồn thu thực hiện các nghĩa vụ thuế với Nhà nước.

Tờ trình của NHNN nêu rõ: “Điều 7, mục 2 Thông tư 16 quy định điều kiện cấp phép xuất khẩu vàng nguyên liệu đối với doanh nghiệp có giấy phép xuất khẩu vàng tại Việt Nam, gồm: Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được thành lập theo quy định của pháp luật; có giấy phép khai thác vàng; có tài liệu chứng minh nguồn vàng nguyên liệu dự kiến xuất khẩu do doanh nghiệp khai thác ở trong nước; không vi phạm quy định của pháp luật về quản lý hoạt động kinh doanh vàng trong thời hạn 12 tháng liền kề trước thời điểm đề nghị cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu”.

Từ đó, NHNN cho rằng tại thời điểm này, mặc dù 2 Cty vẫn chưa thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế đối với ngân sách nhà nước nhưng để tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện giúp 2 Cty có nguồn thu thanh toán tiền lương cho người lao động và thực hiện nghĩa vụ thuế với ngân sách nhà nước trong khi xây dựng phương án tái cơ cấu doanh nghiệp, NHNN xin kiến nghị Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương cho phép NHNN cấp giấy phép xuất khẩu vàng nguyên liệu cho Cty Bồng Miêu và Cty Phước Sơn. NHNN đồng thời yêu cầu 2 Cty trên lập văn bản cam kết thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước đối với từng lần xuất khẩu.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Việt Xuân, Phó cục trưởng Cục Thuế Quảng Nam, cho biết: Quan điểm của Cục là phải thu hồi đủ thuế của 2 Cty vàng Phước Sơn và Bồng Miêu vào ngân sách nhà nước. Việc NHNN đứng ra xin Chính phủ thì ngân hàng phải bảo lãnh được khoản nợ thuế của Cty, lúc đó Cục Thuế mới thông báo hết hiệu lực các biện pháp cưỡng chế đối với Cty để đủ điều kiện cấp giấy phép xuất khẩu vàng. Nếu không bảo lãnh, Cục Thuế sẽ vẫn tiến hành cưỡng chế.

Về số lượng gần 400kg vàng mà 2 Cty xin bán, ông Xuân cho biết, khi thực hiện kê biên tài sản, Cục Thuế yêu cầu cung cấp danh mục tài sản thì Cty chỉ cung cấp các tài sản đã thế chấp cho ngân hàng, còn khối lượng vàng trên thì không thấy. Hiện tại Cty vẫn còn giấy phép khai thác nên vẫn khai thác được nhưng giấy phép xuất khẩu đã hết hạn. Cục Thuế chỉ cưỡng chế nhưng không đình chỉ sản xuất kinh doanh. Sản xuất hay không là quyền của Cty, Cục Thuế chỉ không cho xuất hóa đơn để đem bán.

Theo ông Nguyễn Hồng Quang, Chánh Văn phòng, người phát ngôn của UBND tỉnh Quảng Nam, chủ trương của tỉnh là phải truy thu khoản nợ thuế của 2 doanh nghiệp này. Tỉnh tạo điều kiện hết sức cho doanh nghiệp tái cấu trúc, nhưng tái cấu trúc cũng phải gắn liền với giải quyết nợ thuế. Nếu cho xuất bán đồng loạt sẽ khó kiểm soát, gây khó khăn cho Quảng Nam trong việc thu hồi thuế. Do đó việc xuất bán cùng phải phân kỳ, xuất bán tới đâu phải cam kết và thực hiện nghĩa vụ thuế tới đó.

Ngân hàng Nhà nước nói gì?

Trả lời về kiến nghị Chính phủ cho phép 2 Cty khai thác vàng ở Quảng Nam xuất khẩu gần 400 kg, một lãnh đạo NHNN cho hay, do vấn đề này vượt thẩm quyền của NHNN, nên trong công văn xin ý kiến của Thủ tướng, NHNN đã nêu rõ: Chỉ cho phép cấp hạn mức xuất khẩu vàng khi có ý kiến của UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Tài chính. Đặc biệt, trong ý kiến đó, Bộ Tài chính và UBND tỉnh Quảng Nam phải có giải pháp, đảm bảo thu hồi được món nợ ngân sách của các doanh nghiệp trên, cũng như trả lương cho công nhân.

Vị lãnh đạo này phân tích: Bản chất của vụ việc này là “con gà và quả trứng”. Hiện cả hai doanh nghiệp trên không có tiền để trả nợ thuế, do vậy, nếu cho xuất khẩu, doanh nghiệp sẽ có tiền thực hiện nghĩa vụ nộp ngân sách, cũng như trả lương cho người lao động.

Theo NHNN, mỗi năm, cơ quan này thực hiện cấp hạn mức xuất khẩu vàng cho các doanh nghiệp một lần. Tuy nhiên, trong năm 2015, chưa cấp cho Cty vàng Bồng Miêu và Phước Sơn. Cũng theo vị lãnh đạo trên, sau khi cơ quan này gửi tờ trình Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã đề nghị Bộ Tài chính cho ý kiến.

“Phần việc của NHNN trong việc này là rất nhỏ. Nhưng NHNN không muốn doanh nghiệp vin cớ việc không được cấp hạn mức xuất khẩu vàng mà không có tiền trả tiền nợ ngân sách và trả lương cho người lao động”- vị này nói.

Trong khi đó, một lãnh đạo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, khi được hỏi ý kiến về việc hai Cty trên được phép khẩu vàng hay không, ngành Thuế đã không đồng ý. Vị này giải thích thêm, theo quy định, hai Cty nói trên đang vi phạm các quy định về tài chính (nợ thuế hàng trăm tỷ đồng, bảo hiểm xã hội…) thì không được phép xuất khẩu vàng.

K. Huyền-P.Anh-T.Đức