Không thể dùng mệnh lệnh ép hỗ trợ lãi suất

TP - Đại diện doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) cho rằng, việc hỗ trợ vay ưu đãi phải là “nghĩa vụ”, tuy nhiên đại diện ngân hàng lại cho rằng, không thể có mệnh lệnh nào để ép các ngân hàng phải cho vay hỗ trợ.

Sáng 22/11, thảo luận về dự án Luật Hỗ trợ DNNVV, ĐB Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) cho rằng, dù dự thảo luật quy định rất chặt chẽ các điều kiện, nội dung hỗ trợ, nhưng với điều kiện ngân sách như hiện nay, việc bảo đảm nguồn lực hỗ trợ DNNVV khó khả thi.

Dự thảo luật cũng chỉ quy định cầm chừng là “hỗ trợ từ ngân sách sẽ tùy thuộc vào điều kiện của ngân sách trong từng giai đoạn”, nên việc đã khó sẽ càng khó hơn. “Việc hỗ trợ không phải là hoạt động từ thiện, hảo tâm nên để các nhà đầu tư bỏ tiền ra thì họ phải nhìn thấy, kỳ vọng thấy lợi ích sẽ thu về, nhưng lại chưa có quy định rõ ràng, cụ thể trong dự thảo luật”, ông Hàm nói.

Ngay sau đó, ĐB Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV đã ấn nút tranh luận. Theo ông Thân, không phải nhà nước đưa tiền cho các DNNVV để sản xuất kinh doanh, mà tạo cơ sở và cơ chế cho các DNNVV tham gia. Ngân hàng cho vay với lãi suất thấp hơn so với lãi suất bình thường, ngân sách phải bù đắp chỗ đó, nhằm hỗ trợ cho DNNVV để nuôi dưỡng nguồn thu. Ông Thân cũng nhắc đến “nghĩa vụ” từ phía ngân hàng, bởi ngân hàng là kinh doanh đặc thù, khi nhận tiền của dân phải có trách nhiệm với những thành phần đang khó khăn. Sau đó có thể 1- 2 năm, ngân sách nhà nước mới trả lại nếu phải bù đắp.

Không đồng tình, ĐB Nguyễn Văn Thắng (Hà Nội) - Chủ tịch Ngân hàng Vietinbank lại ấn nút tranh luận. Theo ĐB Thắng, các ngân hàng thương mại là các doanh nghiệp hoạt động theo Luật Doanh nghiệp. “Chúng ta không thể nói hôm nay anh huy động thì phải cho vay. Không bao giờ có chuyện đó. Chúng ta cũng không thể có mệnh lệnh nào để ép các ngân hàng bảo là phải cho các DNNVV vay, hỗ trợ”, ông Thắng cho hay.

Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng, đây không phải quy định cứng nhắc, bắt buộc để các ngân hàng phải có tỷ lệ bao nhiêu hỗ trợ, mà là khuyến khích các ngân hàng thương mại xây dựng các gói hỗ trợ với lãi suất, thời hạn vay ưu đãi và với thủ tục dễ dàng. “Nếu các ngân hàng thương mại hỗ trợ các DNNVV như vậy thì sẽ được nhà nước hỗ trợ lại, tức là được cấp bù lãi suất. Cấp bù lãi suất là một phần ngân sách phải bỏ ra nhưng không lớn so với các doanh nghiệp đóng góp nếu như người ta hoạt động tốt, có lợi nhuận để đóng góp cho đất nước”, ông Dũng nói.