Không sợ tín nhiệm cao hay thấp

TP - Đã ở cương vị bộ trưởng thì sẵn sàng đề xuất vì mục đích chung, vì đa số người được hưởng nên không sợ tín nhiệm cao hay thấp”.
Bộ trưởng Thăng nói, không đề xuất thu phí người nghèo. Ảnh: Hồng Vĩnh

> Kinh tế khó khăn, băn khoăn thu phí

Bộ trưởng Thăng nói, không đề xuất thu phí người nghèo.
Ảnh: Hồng Vĩnh.
 

Tại cuộc họp báo tối qua 3-4 về các loại phí giao thông, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng khẳng định, “đã ở cương vị bộ trưởng thì sẵn sàng đề xuất vì mục đích chung, vì đa số người được hưởng nên không sợ tín nhiệm cao hay thấp”.

Vậy căn cứ vào đâu, Bộ GTVT đề xuất những mức phí này?

Do việc cung cấp thông tin bộ chưa đầy đủ, kịp thời, rõ ràng nên thông tin về phí tới nhân dân chưa đầy đủ như nội dung Bộ GTVT trình Chính phủ. Căn cứ để thực hiện thu phí bảo trì đường bộ là thực hiện theo Luật Giao thông Đường bộ năm 2008. Trong đó quy định xây dựng quỹ để bảo trì đường bộ, tuy nhiên vì nhiều lý do nên các ngành liên quan chưa làm kịp để trình nghị định.

Vừa rồi mới xong để trình Chính phủ ký và có hiệu lực từ 1-6 tới đây. Nếu làm nhanh hơn, đáng lẽ thu từ năm 2010 khi kinh tế đang thuận lợi sẽ tốt hơn. Đây không phải đề xuất hay phát kiến mới của Bộ GTVT mà làm theo Luật.

Phí hạn chế phương tiện cá nhân và phí vào trung tâm thành phố giờ cao điểm thì từ năm 2002, Chính phủ có đề xuất giải pháp thông qua Chỉ thị 22. Sau đó có các Nghị quyết 32, 16, 88... Nghị quyết 13 nhằm giảm thiểu tai nạn giao thông, chống ùn tắc; năm 2007 có Nghị quyết 32, 2011 có Nghị quyết số 88… Nghị quyết trả lời chất vấn được QH thông qua với tỷ lệ 92,4% về chủ trương thu 2 loại phí trên.

Ý kiến của Chính phủ về những loại phí này thế nào, thưa Bộ trưởng?

Bộ GTVT đã tiếp thu, giải trình ý kiến của Bộ Công an, Tư pháp, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, trình Chính phủ. Chính phủ chưa họp. Theo ý kiến của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh, sẽ báo cáo Thường trực Chính phủ.

Hiện, phần lớn đường bộ do nhà nước bỏ tiền ra đầu tư, nhưng chưa thu phí. Quan điểm của Bộ GTVT ai sử dụng nhiều phải nộp nhiều, người đi ô tô phải nộp nhiều hơn xe máy. Đây là dịch vụ gián tiếp mà người đi ô tô được hưởng.

Bộ trưởng Đinh La Thăng nói, vì đất nước, vì mục tiêu chung mà nếu Quốc hội không tín nhiệm thì đành chấp nhận.

 

Nước mình thu nhập bình quân đầu người thấp, nếu so sánh với nước ngoài là khập khiễng. Nhưng không thể nói thu nhập thấp mà chất lượng hạ tầng kém. Một số công trình còn kém chất lượng, chưa đảm bảo tiến độ, chúng tôi đang khắc phục, nhưng phần lớn đã đảm bảo được chất lượng theo yêu cầu.

Tại sao lại thu ô tô cả nước? Mục đích là để hạn chế sự gia tăng của phương tiện cá nhân. Quý I vừa qua, xe máy, ô tô đăng ký tăng trên 10% (so với cùng kỳ năm trước) là rất cao.

Mục tiêu thứ 2 là có tiền để đầu tư hạ tầng. Thực tế, hiện nhà nước vẫn phải dùng kinh phí để đầu tư hạ tầng; dự án BT, BOT huy động từ các nguồn trái phiếu… Tiếc là thông tin đến với báo chí không rõ ràng, làm người dân hiểu nhầm là thu với tất cả xe máy.

Bộ GTVT đề xuất chỉ thu thí điểm xe máy tại nội đô 5 thành phố lớn (Hà Nội, TP HCM, Cần Thơ, Đà Nẵng, Hải Phòng) và không thu phí với người nghèo. Chúng tôi cũng đã tiếp thu ý kiến người dân và đã chia mức thu xe máy thành 3 loại và thấp hơn đề xuất trước đây.

Bộ trưởng có ngại khi tới đây QH sẽ thực hiện chủ trương bỏ phiếu tín nhiệm các thành viên Chính phủ? Đề xuất vừa qua liệu có nóng vội?

Đề xuất cụ thể là của Bộ GTVT và tôi chịu trách nhiệm trực tiếp. Mức phí cao hay thấp thì tùy đánh giá. Với cá nhân tôi thì mức đề xuất là hợp lý. Còn khi đã ở cương vị bộ trưởng thì sẵn sàng đề xuất vì mục đích chung, vì đa số người được hưởng nên không sợ tín nhiệm cao hay thấp...

Về bỏ phiếu tín nhiệm, đấy là quyền của QH, tôi không có quyền muốn hay không muốn, khi QH đã quyết định bỏ phiếu tín nhiệm thì những ai được bỏ phiếu tín nhiệm đều phải chấp nhận. Còn tôi sẵn sàng làm việc này, vì đất nước, vì mục tiêu chung, mà QH không tín nhiệm thì phải chấp nhận, QH không tín nhiệm thì tôi không có cơ hội để mà làm nữa.

Tôi nghĩ rằng, khi tôi còn làm ở vị trí Bộ trưởng GTVT thì cùng với ngành giao thông phải làm hết sức mình để cho đất nước này phát triển, để đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020. Muốn như vậy, hạ tầng giao thông phải đi trước một bước. Mà muốn đi trước phải có đột phá trong kết cấu hạ tầng giao thông mới làm được.

Tất cả giải pháp đề ra đều đồng bộ đấy chứ. Bao gồm quy hoạch, vừa phát triển phương tiện vận tải khách công cộng, đầu tư hạ tầng, ban hành chính sách hạn chế phương tiện cá nhân... Nếu cứ để phương tiện cá nhân phát triển đủ rồi mới hạn chế thì lúc đấy đường không thể đi được nữa. Do đó phải làm ngay.

Ở đây không có chuyện Bộ GTVT thích hay không, nóng vội hay không, mà thực hiện theo chỉ đạo của chính phủ, và phải làm. Tất nhiên chính sách đưa ra sẽ động chạm tới người bị tác động. Nếu giờ hạn chế phương tiện cá nhân chỉ khoảng 600.000 ô tô bị tác động. Sau khi thu ôtô xong, có đánh giá cụ thể mới thu xe máy (nội đô 5 thành phố lớn).

Đình Thắng (lược ghi)

Theo Báo giấy