Có lý do để phân biệt
Trao đổi với báo chí, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho biết trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, cụm từ đào tạo tập trung hoặc không tập trung với hàm ý là hai hình thức chỉ khác nhau về phương thức tổ chức đào tạo. Còn từ chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, cách thức tổ chức, kiểm tra đánh giá... đến chuẩn đầu ra đều phải được xây dựng và thực hiện đúng như hình thức tập trung. Vì vậy, dự kiến sẽ không còn hai loại văn bằng với tên gọi riêng biệt là bằng chính quy, bằng vừa học vừa làm nữa. Điều này phù hợp thông lệ chung trên thế giới.
Đứng từ góc độ người từng quản lý trường ĐH, PGS Đỗ Văn Xê, nguyên phó hiệu trưởng trường ĐH Cần Thơ cho rằng không phân biệt bằng cấp là xu hướng chung của thế giới, về lâu về dài Việt Nam cũng nên như thế.
“Với các nước phát triển, họ không phân biệt bằng cấp là vì thế. Còn đối với Việt Nam, nếu làm thế trong bối cảnh hiện nay không ổn vì quy trình tuyển dụng, nhất là các cơ quan nhà nước không qua phỏng vấn. Vì vậy không phân biệt bằng cấp là chưa ổn” - PGS Đỗ Văn Xê khẳng định. Ông cũng lấy ví dụ thực tế từ chính trường ĐH Cần Thơ, chương trình đào tạo giống nhau, phương pháp giống nhau. Nhưng một bên là học toàn phần, sinh viên có đủ điều kiện để học, dồn hết thời gian vào học. Còn một bên dạy tại địa phương, sinh viên không tập trung tốt như học chính quy nên chất lượng không thể ngang nhau. “Chất lượng vốn không bằng nhau nhưng tuyển dụng xem như bằng nhau (vì không phân biệt trên bằng) thì sẽ không công bằng giữa các ứng viên. Nên theo tôi, xu thế chung của thế giới là bằng cấp không ghi hệ đào tạo. Còn với tình trạng hiện nay của Việt Nam thì cần phân biệt trên tấm bằng” – một lần nữa PGS Đỗ Văn Xê nêu quan điểm của mình. Ông cho biết tại các cơ quan nhà nước có tổ chức thi công chức, nhưng nội dung thi không dính dáng đến chuyên môn của người thi nên không đánh giá được năng lực của từng người. “Các địa phương tuyển dụng phân biệt bằng cấp là cũng có lý của họ” – PGS Đỗ Văn Xê cho hay.
Trao đổi với PV Tiền Phong, nguyên trưởng phòng đào tạo một trường ĐH tại Hà Nội cũng cho hay thực tế với hệ vừa học vừa làm (hay còn gọi tại chức) có tình trạng cắt xén chương trình đào tạo, thời gian đào tạo. Vì các lớp tại chức thường được tổ chức tại địa phương, rất khó kiểm soát. “Ngoài ra, còn phải kể đến chất lượng đầu vào. Những sinh viên chính quy khi thi ĐH là họ đã xác định mục tiêu học của mình, họ cũng phải trải qua một kỳ thi gian nan vất vả. Còn với những người học tại chức, đôi khi mục tiêu của họ không phải là học để có nghề ra trường đi làm. Nên nếu xóa phân biệt bằng cấp hiện nay mà không có sự thay đổi khác kèm theo thì sẽ rất nguy hiểm” – vị nguyên trưởng phòng đào tạo khẳng định.
Nên thi và học như chính quy
Chia sẻ quan điểm của mình về nội dung không phân biệt hệ đào tạo trên bằng cấp trong dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục ĐH, ông Lê Viết Khuyến, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT cho rằng nếu làm được như thế thì tốt nhưng phải có điều kiện. “Điều này sẽ giúp xóa đi cách biệt đào tạo giữa hai hệ, hệ vừa học vừa làm với hệ chính quy. Nhưng điều kiện ở đây là hai đối tượng sinh viên này phải được đào tạo chung. Muốn thế phải áp dụng hệ thống tín chỉ triệt để. Cả hai đối tượng cùng học một thầy, cùng một lớp, cùng một đánh giá cho điểm. Ở các nước làm như thế thì mới không phân biệt bằng cấp. Họ chỉ khác nhau ở lựa chọn thời gian học, lựa chọn số môn học phù hợp với điều kiện của mình” – ông Lê Viết Khuyến cho hay.
Ông Khuyến cũng thừa nhận, việc tách ra thành hai hệ riêng biệt hiện nay như ở Việt Nam nên mới có thể bớt xén, rồi nhiều chuyện khác nên chất lượng đào tạo khác nhau, dẫn đến giá trị hai tấm bằng cũng khác nhau. Do đó, không được tổ chức những lớp riêng như hiện nay. Thi đầu vào cũng phải thi chung, không phân biệt hệ nào.
“Hiện nay Việt Nam hoàn toàn làm được, vấn đề là có muốn làm hay không. Còn việc tách ra như hiện nay là để tạo ra cái niêu kiếm cơm dễ dàng” - ông Khuyến nói. Cũng theo ông Khuyến, ngoài bản thân các trường thì Bộ cũng phải có giải pháp để giám sát vấn đề này. Nếu còn tồn tại các lớp học tại bất cứ địa phương nào thì chất lượng của hệ tại chức sẽ không thể như chính quy. Bởi vì, hệ thống giáo dục Việt Nam chưa có văn hóa chất lượng nên hiện nay phải kiểm soát chất lượng.