Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cho biết, điều 38 của Luật giáo dục ĐH hiện hành chỉ quy định tổng chỉ tiêu cho mỗi trường ĐH. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình thực tế thời gian vừa qua, đó là có một số trường chỉ tập trung chỉ tiêu vào những ngành hot, dù không đáp ứng được đủ kiều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên. Chính vì vậy, từ năm 2015, Bộ GD&ĐT đã ban hành thông tư 32 về quy định xác định chỉ tiêu tuyển sinh đối với các cơ sở giáo dục ĐH theo từng nhóm ngành. Trong dự thảo luật sửa đổi bổ sung, nội dung này còn rõ hơn nữa khi quy định: Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành đào tạo. Như vậy, dự thảo luật này là văn bản đầu tiên đề cập việc xác định chỉ tiêu theo ngành đào tạo. Bà Phụng cho hay, việc xác định chỉ tiêu theo ngành là nhằm xác định khi mở một ngành các trường phải đầu tư cho ngành đó từ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho đến giảng viên. Quy mô tuyển sinh phụ thuộc khả năng đầu tư của nhà trường. Đầu tư đến đâu thì tuyển sinh quy mô đến đó để đảm bảo đúng chất lượng đào tạo. Tránh tình trạng tuyển sinh chỉ phụ thuộc vào người học mà không phụ thuộc vào đầu tư của cơ sở.
Theo bà Phụng, hiện nay, Bộ GD&ĐT chỉ quy định điều kiện xác định chỉ tiêu đến ngành, còn chuyên ngành trong mỗi ngành do các trường tự xác định. Do đó, dự kiến thay đổi cách xác định chỉ tiêu theo ngành thay vì theo nhóm ngành như hiện nay là nhằm mục tiêu đảm bảo chất lượng đào tạo phù hợp với mức đầu tư của nhà trường cho ngành đó, và quy mô đào tạo phải phù hợp với cơ sở vật chất và giảng viên đã đầu tư cho từng ngành.
Ngoài ra, bà Phụng cũng cho biết, theo dự thảo các trường cũng sẽ được tự mở ngành đào tạo chứ không cần xin phép Bộ GD&ĐT như hiện nay.
“Hiện nay, các ĐH tự chủ được tự chủ mở ngành, các trường ĐH thực hiện thí điểm tự chủ cũng được tự chủ mở ngành. Sắp tới, chúng tôi dự kiến đưa vào luật những trường có hội đồng trường - tức là cơ quan quyết định đường lối phát triển của trường, đầu tư cho các ngành đó ra sao – và đã được kiểm định sẽ được tự quyết định mở ngành” – bà Phụng nói.
Tuy nhiên, có một thực tế, các trường ĐH Việt Nam chính thức được thí điểm giao quyền tự chủ từ năm 2014. Trong quá trình thực hiện tự chủ, các trường cũng được tự chủ mở ngành nên có hiện tượng có trường mở ngành “siêu tốc”. Năm 2016, trường ĐH Công nghiệp TPHCM (một trong những trường được tự chủ) đã mở tới 15 ngành mới. Trường ĐH Nguyễn Tất Thành cũng mở tới hơn 10 ngành mới.
Việc trao quyền tự chủ mở ngành được coi là một trong những chìa khóa tháo gỡ cơ chế xin cho đang tồn tại hiện nay, tuy nhiên, có chuyên gia cho rằng, chiếc chìa khóa đó nếu không được trao đúng sẽ dẫn đến tình trạng mở ngành lạm phát với mục đích chỉ để thu hút tuyển sinh. Những ngành mới mở thường có 2 mục đích: Có thể xuất phát từ nhu cầu đào tạo nhân lực thực tế, nhưng cũng có thể các trường cố ý đặt tên ngành hấp dẫn để thu hút thí sinh. Nếu xuất phát từ thực tế thì đó là một tín hiệu tốt, nhưng nếu chỉ với mục đích thu hút thí sinh thì đó chính là một bi kịch đối với người học.
Chính vì vậy, trước khi trao chìa khóa, Bộ GD&ĐT cũng cần phải có cơ chế giám sát chặt chẽ.