Từ 15/12/2021 đến nay, Hà Nội đều ghi nhận 1.000 - 2.000 ca bệnh mỗi ngày. Trong 2 ngày gần đây (2/1 - 3/1/2022), thành phố vượt mốc 2.000 ca mắc COVID-19/ngày.
Cộng dồn trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021), Hà Nội ghi nhận 54.831 ca mắc COVID-19, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 17.944 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 36.887 ca.
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cho rằng, hiện Hà Nội rất khó, nếu không muốn nói là không thể giảm số ca mắc COVID-19.
“Hiện nay đã không còn kiểm đếm được số ổ dịch mà chủ yếu nêu theo địa bàn phường, xã…”, ông Nga nói.
Tuy nhiên, theo ông Nga, khi đã tiêm đủ số mũi vắc xin, chủ yếu các ca bệnh có triệu chứng nhẹ, không nên quá chú ý đến số ca mắc mới mà cần tập trung vào số ca nặng, phải điều trị tích cực để giảm tử vong. Đặc biệt, nên chú ý tới các trường hợp người già, người có bệnh nền, trẻ em.
Ông Nga nêu, tất nhiên, khi lượng bệnh nhân càng tăng cao thì tỷ lệ các trường hợp nặng cũng tăng lên. "Không nên coi F0 là bệnh nhân nữa. Số lượng người mắc COVID-19 hiện rất nhiều, chủ yếu là thể nhẹ và không có triệu chứng. Họ như người bình thường", ông Nga nêu quan điểm.
Từ thực tế đó, theo ông Nga, hệ thống y tế nên tập trung vào những người có triệu chứng, bị nặng để điều trị tích cực, giảm tử vong. Khi Hà Nội quá tải, các bệnh viện tuyến T.Ư, bệnh viện dã chiến cần hỗ trợ, vào cuộc.
Theo ông Nga, hiện dịch COVID-19 đã lây nhiễm sâu trong cộng đồng, việc giảm số mắc là rất khó nếu không muốn nói là không thể. Người dân nên tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho bản thân, gia đình và cộng đồng.