Không giảm giá, không được phụ thu vé xe Tết

TP - Khẳng định của ông Nguyễn Quốc Chiến, Trưởng Ban Vật giá Sở Tài chính TPHCM với Tiền Phong khi đề cập đến chuyện giá cước vận tải không giảm tương ứng với giá xăng dầu.
Ảnh minh họa

Theo ông Chiến, giá xăng giảm sâu làm giảm chi phí vận chuyển từ 2%-5%. 

 

“Ngay sau khi giá xăng giảm, Sở đã có văn bản yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải tính toán lại cơ cấu giá thành để điều chỉnh giá. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã đăng ký giảm nhưng có một số trường hợp giảm không tương xứng với giá xăng”- ông Chiến nói. 

Cụ thể: Khi giá xăng giảm hơn 10% thì giá cước vận tải hành khách phải giảm tương ứng khoảng 3% và cước vận tải hàng hóa phải giảm khoảng 5%. Do đó, theo ông Chiến, Sở Tài chính đã yêu cầu các doanh nghiệp vận tải hành khách phải giảm giá trước khi phụ thu vé Tết.

“Trong trường hợp chưa giảm giá thì Sở không cho phép phụ thu vé xe đò Tết”- ông Chiến khẳng định.

Theo ông Thượng Thanh Hải, Phó Giám đốc bến xe miền Đông, bến xe hiện có 207 doanh nghiệp vận tải đăng ký hoạt động. Đến nay, hơn 100 đơn vị vận tải đã có thông báo giảm giá cước với mức giảm từ 5-10%. 

Trao đổi với Tiền Phong, đại diện một số hãng xe đò cho biết giảm giá cước là nhằm để cơ quan chức năng cho phép doanh nghiệp phụ thu thêm từ 20 - 60% giá vé trong một số ngày cao điểm giáp Tết bù đắp chiều chạy rỗng. Vì sao nhà xe chần chừ giảm giá cước? 

Theo lý giải của ông Hồ Huy, Chủ tịch tập đoàn Mai Linh, các doanh nghiệp trong nước phải mua xe với giá rất đắt so với nhiều nước trong khu vực. Ở nhiều nước, loại hình vận tải hành khách được giảm thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu và được hưởng nhiều ưu đãi. Vì vậy, khi giá xăng dầu giảm thì giá cước phải giảm. 

Trong khi đó phí xuất bến ở trong nước hiện nay đang ở mức cao, tương đương tiền vé 1-2 ghế, trong khi chạy đường dài, chủ xe chỉ lãi 5 ghế. Thuế VAT, trước kia xe khách là 1%, nay tăng lên 5%. Taxi từ 1% lên 5% nay đội lên 10%, người tiêu dùng phải trả 5% mức thuế tăng thêm nên giá cước bị đội lên. 

Mặt khác, ở nhiều nước, hạ tầng giao thông tốt hơn nên mức tiêu hao nhiên liệu thấp hơn so với Việt Nam. Vì vậy, xe khách đường dài không cạnh tranh nổi với máy bay giá rẻ. 

Từ đầu năm 2015, tập đoàn Mai Linh không còn kinh doanh xe khách, chỉ tập trung vào loại hình taxi.

“Xăng lên giá cũng khổ, xuống cũng khổ, biến động liên tục như vừa qua càng khổ hơn vì phải điều chỉnh giá cước liên tục. Mỗi lần điều chỉnh, doanh nghiệp phải đưa xe đi đăng kiểm, lập trình lại đồng hồ tính cước. Mỗi xe đăng kiểm mất cả tiếng. Phí lập trình đồng hồ là 165.000 đồng/xe. Với 10.000 taxi, Mai Linh chi phí hơn 1,6 tỷ đồng cho việc điều chỉnh đồng hồ” – ông Huy cho biết.