Đại sứ Palestine tại Việt Nam:

Không giải quyết mâu thuẫn, Trung Đông càng thêm nhiều IS

TP - Đại sứ Palestine Saadi Salama cho rằng, nếu không giải quyết tận gốc rễ mâu thuẫn Israel-Palestine, sẽ càng nảy sinh nhiều tổ chức khủng bố như IS.
Đại sứ Palestine tại Việt Nam Saadi Salama.

Ngày 21/10 tại Hà Nội, vị đại sứ Palestine kỳ cựu có cuộc trao đổi với báo chí Việt Nam xung quanh những diễn biến bạo lực gần đây giữa người Palestine và Israel. Ông Salama nói rằng, đã có ít nhất 54 người Palestine bị cảnh sát, binh sĩ Israel bắn chết ngay trên đường phố mà không cần xét xử do tìm cách dùng dao đâm người Israel. 

Chỉ trong buổi tối 20/10 đã có 5 thanh niên người Palestine thiệt mạng tại Hebron. Về hiện tượng bùng phát bạo lực này, Đại sứ Salama cho rằng, có hàng loạt nguyên nhân mang tính lịch sử, đặc biệt là tình trạng Israel chiếm đóng lâu dài lãnh thổ Palestine, việc không đạt được một thỏa thuận hòa bình lâu dài giữa Palestine và Israel về thành lập một nhà nước của người Palestine…

Theo ông Salama, đợt bạo lực mới bộc phát liên quan trực tiếp ngôi đền Hồi giáo al-Aqsa linh thiêng ở Đông Jesusalem bị Israel mưu chiếm. Việc chính quyền Israel cấm người Palestine vào ngôi đền thiêng này hành lễ khiến người Palestin hết sức phẫn nộ. Đặc biệt, nhiều thanh niên Palestine đã tự phát tìm đến cái chết để biểu thị phản kháng trước sự áp bức của Israel. 

Đây không phải chủ trương của chính quyền Palestine. Đại sứ khẳng định, Palestine sẽ kiên quyết đấu tranh bằng nhiều hình thức khác nhau, hướng tới mục tiêu thành lập một nhà nước Palestine, nhưng không dùng tới bạo lực. 

Ông Salama cáo buộc chính sách xây dựng các khu tái định cư của Israel trên các vùng lãnh thổ chiếm đóng khiến 850.000 người Israel tin rằng, đây là “vùng đất trời trao cho họ”. Vì thế, nhiều người Israel sẵn sàng xua đuổi, phá hoại nhà cửa, bắn giết người Palestine mà không cần xét xử.

Đại sứ Palestine nhấn mạnh 4 vấn đề trong xung đột Palestine-Israel. Vị đại sứ nói rằng, Israel đang chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine được Liên Hợp Quốc giao cho để thành lập một nhà nước Palestine, chứ đây không phải là tranh chấp lãnh thổ. Đến nay, 147 quốc gia đã công nhận Palestine là một nhà nước, nhưng Israel không chịu thừa nhận. 

Ông Salama nói rằng, Israel đang tìm cách chiếm toàn bộ Jesusalem làm thủ đô của nhà nước Do Thái, trong khi nhiều nước, kể cả Mỹ và Canada phản đối Jesusalem là thủ đô Israel. Theo ông, xung đột Palestine-Israel không phải xung đột tôn giáo mà là vấn đề chính trị; Israel không muốn người Palestine được sống bình thường; các khu định cư do Israel xây dựng hoàn toàn trái với luật pháp quốc tế. 

Đại sứ Salama cho rằng, để giải quyết vấn đề Palestine một cách rõ ràng, trước tiên cần chấm dứt chiếm đóng lãnh thổ của người Palestine, thực hiện nghiêm chỉnh nghị quyết Liên Hợp Quốc, phân định biên giới Palestine-Israel theo mốc giới năm 1967 với thủ đô nhà nước Palestine là Jesusalem, tạo cơ hội cho người Palestine góp phần tích cực vào nền hòa bình lâu dài trong khu vực.

Theo ông Salama, nếu Israel cứ tiếp tục chiếm đóng và theo đuổi chính sách như hiện nay thì sẽ không chỉ gây hậu quả đối với người Palestine mà còn cả với chính Israel. “Người Palestine có quyền kháng chiến. Chúng tôi không có quân đội, không có máy bay, cũng chẳng nhiều súng đạn, nhưng chúng tôi có chính nghĩa. Chúng tôi sẽ tiếp tục kháng chiến cho tới khi chúng tôi thực sự có một nhà nước của người Palestine”, Đại sứ Salama quả quyết.

Đại sứ Salama cho rằng, gốc rễ xung đột Trung Đông là vấn đề Palestine và sự không công bằng của một số nước phương Tây khiến nhiều nước Ảrập phẫn nộ và thúc đẩy nhiều người tham gia các tổ chức Hồi giáo cực đoan như nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS). Nếu không giải quyết gốc rễ mâu thuẫn, sẽ còn nảy sinh thêm nhiều nhóm cực đoan mới và Mỹ chính là chìa khóa để giải quyết vấn đề Palestine, ông nói.