Xử lý thế nào các dự án năng lượng tái tạo chuyển tiếp?
Liên quan đến việc EVN cho biết có nguy cơ thiếu điện trong thời gian tới và một số nơi bị mất điện do gặp sự cố vì nắng nóng kéo dài, ông Trần Việt Hòa - Cục trưởng Điều tiết điện lực - cho biết, trong thời kỳ nắng nóng và mùa khô hằng năm, việc đảm bảo cung ứng điện cho nền kinh tế luôn là vấn đề được dư luận quan tâm. Hiện các hồ thuỷ điện trong tình trạng thiếu nước, nhiều hồ đã về đến mực nước chết, gây khó khăn trong vận hành và cung ứng điện. Bộ Công Thương đã có nhiều giải pháp để đảm bảo việc cung ứng điện cũng như đảm bảo cung cấp than, khí cho sản xuất điện.
Theo ông Hòa, mới đây, Bộ Công Thương đã có cuộc họp với các tập đoàn, tổng công ty để đảm bảo cung ứng cho phát điện. Theo đó, Bộ yêu cầu EVN, TKV, Tổng công ty Đông Bắc cùng các đơn vị phải huy động mọi nguồn lực để đảm bảo việc phát điện, khẩn trương khắc phục các sự cố của các tổ máy để sớm đưa vào vận hành trở lại. Trong đó, các dự án năng lượng tái tạo cũng được huy động để giảm căng thẳng về cung ứng điện.
Cũng theo Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, đến ngày 18/5, Bộ Công Thương đã thống nhất giá tạm thời của 8 nhà máy điện gió, điện mặt trời được EVN thống nhất giá. Như vậy, các nhà máy này khi đã có giá tạm thời, khi được huy động sẽ được phát điện lên lưới. Tuy nhiên, đây chỉ là một biện pháp tạm thời trong việc đảm bảo cung ứng điện.
Theo báo cáo của EVN, tính đến ngày 10/5, đã có 31/85 dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió chuyển tiếp với tổng công suất 1.956,8MW đã nộp hồ sơ đàm phán giá điện, trong đó 15 dự án hoàn thiện hồ sơ và đang tiến hành thỏa thuận giá điện với EVN.
Trong đó, 16 nhà đầu tư đã đề xuất về việc áp dụng mức giá tạm trong thời gian đàm phán. Cụ thể, có 10 nhà máy điện (tổng công suất 468,75 MW) đề nghị giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết thực hiện. Có 2 nhà máy điện (tổng công suất 104,2 MW) đề nghị mức giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm đến khi giá điện chính thức được hai bên ký kết và thực hiện
4 nhà máy điện (tổng công suất 410,5 MW), chiếm tỷ lệ 8,7% đề nghị giá tạm tính theo 2 phương án: Giá tạm tính bằng giá 50% giá trần của khung giá và đề nghị thực hiện hồi tố sau khi có giá điện chính thức và Giá tạm tính bằng 90% giá trần của khung giá và không thực hiện hồi tố cho giai đoạn tạm.
Theo EVN, đã có 6 nhà máy điện (tổng công suất 357,5 MW) đã họp và thống nhất mức giá điện tạm thời với tập đoàn bao gồm: Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Nhà máy điện gió Viên An, Nhà máy điện gió gió Hưng Hải Gia Lai, Nhà máy điện gió mặt trời Phù Mỹ 1, Nhà máy điện mặt trời Phù Mỹ 3 và Nhà máy điện gió Hanbaram. Đặc biệt, ngày 10/5/2023, EVN đã phê duyệt giá tạm thời cho Nhà máy điện gió Nam Bình 1, Viên An.
Hàng loạt thủy điện ở mực nước chết
Theo Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), hiện có 11/47 hồ thủy điện lớn có mực nước đã về mực nước chết hoặc gần mức nước chết. Trong đó có nhiều hồ thủy điện lớn như: Lai Châu, Trung Sơn, Đồng Nai 2, Buôn Tua Srah, Hương Sơn, Trị An, Ialy, Sông Ba Hạ, Xekaman 1, Đakr Tih, Sê San 4.
Có 21/47 hồ thủy điện lớn có dung tích còn lại dưới 20% như Sơn La (2 ngày đầy tải), Tuyên Quang (2 ngày), Thác Bà (2 ngày),… và 16 hồ có mực nước thấp hơn mực nước tối thiểu của Quy trình vận hành liên hồ chứa.
Đặc biệt là các hồ thủy điện khu vực miền Bắc, tất cả 12/12 hồ thủy điện lớn có lưu lượng nước về hồ rất kém, tần suất nước về nhiều hồ kém nhất trong 100 năm qua (tính đến ngày 11/5/2023). Riêng tháng 4 và đầu tháng 5 nước về các hồ chỉ đạt dưới 50% trung bình nhiều năm. Một số hồ chỉ đạt 20% so với trung bình nhiều năm, gây thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng cho các hồ thủy điện.
Theo EVN, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã nhận định với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nguy cơ thiếu hụt nguồn nước sẽ tiếp diễn đến cuối mùa cạn năm 2023. Tổng lượng dòng chảy đến các hồ chứa lớn khu vực Bắc Trung Bộ được dự báo thấp hơn từ 15-35%, khu vực Trung Trung Bộ và Nam Trung Bộ thấp hơn từ 15-40%, khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 10-25% so với trung bình nhiều năm. Nguy cơ thiếu nước trong thời gian còn lại của mùa cạn sẽ diễn ra nghiêm trọng.
“Để đảm bảo điện trong các tháng 5 và 6, Tập đoàn đã đàm phán với các nhà máy BOT, nhà máy điện độc lập để đảm bảo huy động tối ưu nhất công suất các nhà máy này vào hệ thống trong cao điểm mùa nắng nóng. Cùng với đó, Tập đoàn có các giải pháp vận hành, bổ sung nguồn điện, đàm phán và ký các hợp đồng mua bán điện, tiết kiệm điện và điều chỉnh phụ tải với các doanh nghiệp sử dụng điện lớn. Theo đó, các doanh nghiệp sẽ đồng ý cho ngừng, giảm phụ tải trong các tình huống cực đoan”, Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm