Thu phí phải phù hợp thu nhập
Ngày 10/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Phí, lệ phí. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển, nhiều ý kiến nhất trí chuyển viện phí, học phí sang cơ chế giá, đồng thời lưu ý Chính phủ cần báo cáo cụ thể, chi tiết hơn về lộ trình và tác động của việc chuyển sang giá dịch vụ. Để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và đơn vị soạn thảo thống nhất đề nghị đưa học phí và viện phí ra khỏi phạm vi điều chỉnh của Luật.
Cùng thống nhất loại bỏ giá dịch vụ y tế và giáo dục ra khỏi Luật Phí, lệ phí vì không còn phù hợp, Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội Trương Thị Mai đề nghị cần thực hiện theo lộ trình, trên cơ sở tính đúng tính đủ, chứ không phải dân đóng toàn bộ 100%. “Phải đưa ra quy định, xác định mức thu phí phải phù hợp với thu nhập của người dân? Tất cả các nước thu bảo hiểm, người ta đều căn cứ trên thu nhập người dân”, bà Mai nói.
Ông Hiển cho biết, nhiều đại biểu Quốc hội cũng đề nghị bỏ phí sử dụng đường bộ đối với xe máy. Tuy nhiên, trong dự thảo luật không ghi phí sử dụng đường bộ thành một danh mục riêng, việc quy định chi tiết các loại phương tiện thuộc đối tượng điều chỉnh của khoản phí này và mức thu cụ thể do Chính phủ quy định. “Bộ GTVT đã có văn bản kiến nghị với Chính phủ xem xét, quyết định dừng thu phí đối với xe máy. Vì vậy, Ủy ban Tài chính - Ngân sách và cơ quan soạn thảo đề nghị giữ như dự thảo luật”, ông Hiển nói.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu, sau kỳ họp Quốc hội vừa qua, phí bảo trì đường bộ xe máy đã trở thành vấn đề lớn. Thực tế cho thấy, người đóng phí cũng như người không đóng. Ngay việc thu phí cũng gặp rất nhiều khó khăn, thậm chí bây giờ còn có hiện tượng địa phương thu, địa phương không thu. Do vậy, ông Giàu đề nghị cần sớm quy định thống nhất để thực hiện đồng bộ. Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cũng đề nghị phải quy định rõ điểm nào giao cho bộ, điểm nào giao cho HĐND quyết định để thống nhất thực hiện, tránh nơi dừng, nơi thu.
Nông nghiệp phải gánh 937 khoản phí
Liên quan các loại phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, riêng lĩnh vực nông nghiệp hiện có 90 lệ phí, 937 khoản phí, trong đó có 18 khoản lệ phí và 550 khoản phí về thú y. Theo Bộ trưởng, các khoản phí này “rất lớn, rất phức tạp và phải rà soát thường xuyên”. Tới đây, khả năng sẽ tiếp tục bỏ 10 khoản phí và 5 khoản lệ phí, chuyển sang giá.
“Không thể tính phí theo quả trứng, không thể quy định đếm trứng ăn tiền được, phải ghi theo mẫu. Đàn trâu 100 con, lấy mẫu một con thì chỉ lấy phí 1 con thôi. Giờ nhìn lại có những cái chúng ta làm rất buồn cười, trâu bò thì theo con, trứng thì theo quả, đếm trứng ăn tiền. Tới đây cần phải quy định lại, thu tiền theo mẫu trên cơ sở rà soát lại danh mục và hệ thống pháp luật liên quan”, Bộ trưởng Dũng cho biết. Đồng tình về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải rà soát trên 4 lĩnh vực: danh mục, mức thu, thủ tục và thẩm quyền thu.
Tổng rà soát
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tất cả các khoản thu, chi phải rất minh bạch, không thu tùy tiện, đặc biệt đối với hàng nghìn loại phí nông nghiệp. “Các anh nhớ hôm chất vấn Bộ trưởng Cao Đức Phát về thu phí kiểm dịch từ quả trứng không? Khi yêu cầu bỏ hoặc bớt phải rõ ràng, ngay lập tức Bộ trưởng bảo không cần thiết và sẽ phối hợp với Bộ trưởng Tài chính bỏ trong vòng 45 ngày. Tôi bảo bỏ ngay chứ không phải chờ 45 ngày. Đưa vào không chắc chắn, đưa ra cũng không chắc chắn, nông nghiệp thế làm sao tiến lên được. Một quả trứng, đếm ra đếm vào 14 lần để thu phí, trời ơi”, chủ tịch Quốc hội nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội, cái khó hiện nay là quy trình nộp phí vô cùng phức tạp. “Ngay phí qua trạm thu phí, cải cách lên cải cách xuống mà vẫn còn phiền hà. Thu tiền rồi cho đi ngay mà còn phiền hà như vậy đấy. Gần một nghìn khoản phí nông nghiệp, cần rà soát lại, cái gì là phí để đó, cái gì là giá bỏ ra.
Đường cao tốc của Bộ GTVT là phí hay giá? Sao lại gọi là phí được? Đó là giá dịch vụ qua đường để trả cho nhà đầu tư. Hàng loạt phí đang thu là giá chứ không phải phí, không có nhiều phí thế đâu, cần tổng rà soát lại”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu. Chủ tịch Quốc hội cảnh báo, nếu không xây dựng danh mục cụ thể các loại phí, lệ phí, sẽ không “ấn nút” thông qua luật này tại kỳ họp tới.