Vị tướng già nhớ lại những ngày lội ruộng khảo sát hướng tuyến để cắm mốc, giải phóng mặt bằng dự án đại lộ Bắc Nhà Bè –Nam Bình Chánh (nay là đường Nguyễn Văn Linh). Cùng với Quốc lộ 1, cung đường này chính là hợp phần quan trọng của tuyến đường Vành đai 2, giúp nâng cao năng lực lưu thông hàng hoá qua các cảng biển, đồng thời hạn chế xe tải vào nội ô TPHCM, từ đó hạn chế ùn tắc và tai nạn giao thông. Là người có tầm nhìn, với tốc độ đô thị hoá quá nhanh, ông Bảy Thanh đã sớm dự báo tuyến đường Vành đai 2 TPHCM sẽ “lọt thỏm” trong nội đô.
Cũng như ông Bảy Thanh, rất nhiều chuyên gia có tâm huyết mong muốn TPHCM sớm triển khai dự án đường Vành đai 3, Vành đai 4 để giải quyết các “điểm nghẽn” ngày càng nghiêm trọng về giao thông. Có thể nói hiếm có dự án hạ tầng giao thông nào chiều dài toàn tuyến chưa đến 80 km nhưng quá trình triển khai đầu tư lại được dư luận đặc biệt quan tâm như tuyến đường Vành đai 3 TPHCM.
Hiệu quả dễ thấy nhất là dự án này sau khi được triển khai sẽ có vai trò rất lớn trong việc giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông liên vùng, nâng cao năng lực vận tải, lưu thông hàng hoá, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương có dự án đi qua.
Việc triển khai dự án đường Vành đai 3 TPHCM càng quan trọng và trở nên cấp thiết hơn bởi công trình giao thông quan trọng này sẽ khơi thông, giải quyết việc tắc nghẽn trong quá trình phát triển đô thị, kinh tế của từng địa phương và cả vùng. Thực tế, nhiều đô thị vùng ven TPHCM hình thành đã lâu nhưng không thể phát triển vì thiếu tính kết nối. Các dự án tại khu vực huyện Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) là một ví dụ. Dù đã được triển khai xây dựng từ nhiều năm trước nhưng đến nay không ít khu đô thị vẫn còn hoang vắng, thậm chí trở thành những “đô thị ma” không một bóng người do tắc nghẽn giao thông. Với điểm nghẽn như vậy, các doanh nghiệp trong vùng còn chịu chi phí logistics rất lớn.
Việc đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 3 TPHCM còn góp phần hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao khả năng cạnh tranh trong bối cảnh nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu...Nói cách khác, dự án sẽ tạo ra một không gian phát triển mới cho vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, góp phần cải thiện đời sống người dân và thực hiện thắng lợi Nghị quyết 53 và Kết luận 27 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu hiện nay là sau khi chủ trương đầu tư đã được thông qua, dự án cần triển khai thực hiện như thế nào để đạt hiệu quả cao nhất và tránh sai sót, thậm chí vi phạm, đặc biệt là không để điệp khúc “vướng mặt bằng” tiếp tục diễn ra trong quá trình thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng của các địa phương. Đây là công việc vô cùng khó khăn và gian nan mà nói như Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên, là “không cho phép làm tới làm lui, vừa làm vừa sửa sai”.