Theo Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân, nghị quyết quy định có 2 trường hợp thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính (ĐVHC) là: Khi có diện tích tự nhiên và quy mô dân số chưa đạt 50% tiêu chuẩn theo quy định tại Nghị quyết số 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và khuyến khích việc sắp xếp các ĐVHC còn lại.
Liên quan đến đội ngũ cán bộ, theo Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân, nghị quyết đã quy định các nội dung về sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy; về số lượng lãnh đạo, quản lý; số lượng công chức, viên chức của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; các chế độ, chính sách thực hiện đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động dôi dư; chuyển đổi các loại giấy tờ cho cá nhân, tổ chức sau khi thực hiện sắp xếp ĐVHC cấp huyện, cấp xã. Quy định này để tránh những trường hợp “tranh thủ” bầu, bổ nhiệm cán bộ, tuyển dụng công chức, viên chức tại những ĐVHC cấp huyện, cấp xã đang chuẩn bị sắp xếp.
Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Khắc Định cho biết, khi sáp nhập, chỉ một số giấy tờ phải đổi như điều chỉnh hộ khẩu nếu thay đổi địa chỉ chỗ ở. Còn một số giấy tờ như CMND, sổ đỏ, thẻ căn cước công dân…thì không bắt buộc đổi, chỉ đổi khi công dân có nguyện vọng và không lấy phí.
Trên cơ sở các tiêu chí được ban hành, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, hiện có 16 đơn vị hành chính cấp quận, huyện và 631 phường, xã chưa đạt 50% tiêu chuẩn về diện tích tự nhiên và dân số cần sắp xếp, sáp nhập. “Đây là việc rất quan trọng, phức tạp, nhạy cảm. Theo đúng tinh thần của Bộ Chính trị, việc sắp xếp, sáp nhập huyện, xã phải cân nhắc, tính toán đến cả yếu tố đặc thù về lịch sử, văn hoá, phong tục tập quán, yêu cầu đảm bảo quốc phòng an ninh, kinh tế xã hội”, ông Lưu lưu ý.