Không bắn pháo hoa dịp Tết, Hà Nội tiết kiệm 10 tỷ đồng

Các tỉnh, thành cho biết việc bắn pháo hoa dịp Tết đều thực hiện từ nguồn xã hội hóa, nay không triển khai theo chỉ thị của Ban bí thư sẽ tiết kiệm được hàng chục tỷ đồng.
Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Ảnh: Đ.Loan

Ngày 23/12, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Hà Nội Tô Văn Động cho biết, TP Hà Nội đã quyết định bắn pháo hoa dịp Tết âm lịch với 6 điểm tầm cao, 24 điểm tầm thấp, chi phí khoảng 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban Bí thư vừa yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. TP Hà Nội sẽ nghiêm túc thực hiện chỉ thị này.

"Mặc dù chưa có ý kiến của Thường trực Thành ủy, song theo tôi, Hà Nội sẽ là địa phương gương mẫu thực hiện", ông Động nói.

Giám đốc Sở Văn hóa cũng cho hay, theo chỉ thị của Ban Bí thư thì dù chi phí bắn pháo hoa là nguồn xã hội hóa hay dùng ngân sách, Hà Nội cũng sẽ dừng lại. Cũng như trước đây, năm nay chi phí bắn pháo hoa của Hà Nội do doanh nghiệp tài trợ, nếu không tiến hành thì tiền ở lại doanh nghiệp.

Trả lời câu hỏi việc thay đổi kế hoạch bắn pháo hoa có gây ảnh hưởng gì không, ông Động nói: "Hà Nội đã giao Bộ tư lệnh Thủ đô tổ chức bắn pháo hoa, tôi không biết đơn vị này đã ký hợp đồng hay chưa. Song cả nước chỉ có một đơn vị cung cấp pháo hoa là Z121, không phải nhập hàng từ nước ngoài, nên không đáng ngại việc thay đổi hợp đồng". 

Thay cho hoạt động bắn pháo hoa, lãnh đạo Sở Văn hóa cho biết, Hà Nội sẽ tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật vào dịp Tết, trang hoàng các nơi công cộng đảm bảo mỹ thuật, lành mạnh, vui tươi. Các quận, huyện muốn trang trí đường phố, phải có ý kiến của Sở Văn hóa để tránh trường hợp trang trí nhiều màu gây phản cảm. 

"Tôi chắc chắn Hà Nội sẽ rất vui vào dịp Tết mà không phải chi phí hàng chục tỷ đồng bắn pháo hoa", ông Động nói. 

TP HCM. Chánh Văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan cho hay, chủ trương cấm đốt pháo (kể cả pháo hoa) đã được thực hiện từ hơn 20 năm qua. Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân và không sử dụng tiền ngân sách, TP HCM cùng một số địa phương khác đã được Trung ương cho phép tổ chức bắn pháo hoa trong những ngày lễ lớn, dịp Tết bằng nguồn xã hội hoá.

"Khi nhận được thông tin về Chỉ thị nói trên, UBND TP sẽ xem xét, báo cáo lại để xem phải xin ý kiến mới hay vẫn thực hiện như từ trước đến nay", ông Hoan nói.

Trong khi đó, Phó chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Thu cho biết thành phố không chỉ có bắn pháo hoa, mà còn chuẩn bị nhiều loại hình văn hóa, văn nghệ để phục vụ người dân dịp Tết. "Song, đúng là chuyện bỏ bắn pháo hoa thì cũng buồn thiệt”, bà Thu nói.

Theo kế hoạch, TP HCM dự định sẽ bắn pháo hoa ở 2 điểm là nóc hầm sông Sài Gòn (quận 2) và Công viên Văn hóa Đầm Sen (quận 11) để mừng Tết Dương lịch; bắn pháo hoa 7 điểm mừng Tết Nguyên đán Đinh Dậu.

Thừa Thiên Huế. Ông Hoàng Ngọc Khanh (Chánh văn phòng UBND tỉnh) cho biết, dịp Tết cổ truyền, tỉnh này có kế hoạch bắn pháo hoa tại Ngọ Môn và huyện Nam Đông. Nhưng kế hoạch đã dừng lại để thực hiện chỉ thị của Ban bí thư.

Theo ông Khanh, hàng năm nguồn kinh phí bắn pháo hoa mừng năm mới ở Huế không nằm trong ngân sách, mà được xã hội hóa. Kinh phí bắn pháo hoa vào dịp Tết cổ truyền mọi năm ở Thừa Thiên Huế khoảng gần một tỷ đồng.

Quảng Ninh. Ông Vũ Công Lực -Giám đốc sở Thông tin và Truyền thông) cho biết, tỉnh này dự kiến sẽ bắn pháo hoa dịp Tết ở 10 huyện, thị, thành phố từ nguồn xã hội hóa. "Hiện cấp trên có chỉ đạo không thực hiện, lãnh đạo tỉnh sẽ xem xét thực hiện và có thông tin cụ thể sau", ông Lực nói.

Theo Theo Vnexpress