Khốn khổ vì thiếu nước giữa Thủ đô

TP - Mới vào đầu đợt nắng nóng, vậy mà các khu vực mất nước đã lan rộng. Từ các quận trung tâm như Hoàn Kiếm, Ba Đình đến các khu vực Tây Hồ, Cầu Giấy đều đang trong tình trạng đón nước nhỏ giọt.
Chiều 13/5, vẫn chưa có nước tại ngõ 18 A Quán Thánh.

Ngay tại khu tập thể Bộ Y tế (số 5 Quang Trung, quận Hoàn Kiếm) đang trong tình trạng “khô hạn” suốt mấy ngày nay. Chị Nguyễn Ngọc Diệp vừa vặn vòi nước khô cong, vừa cho biết, tuần trước nguyên cả tuần mất nước khiến cuộc sống người dân ở đây bị đảo lộn. “Mọi người phải thức đêm để canh nước, mua thêm xô, chậu để hứng khi có nước, nhiều người còn phải hứng cả nước điều hòa để sinh hoạt”, chị Diệp nói. Bà Thoa, trú tại số nhà 106 nhà A cho biết, từ khi được phản ánh lên báo chí, đã có nước, tuy chỉ rất nhỏ giọt. Nhà bà Thoa và một số hộ phải sử dụng máy bơm công suất lớn để đảm bảo nước dùng.

Tại Cụm dân cư số 3, ngõ 18 Quán Thánh, quận Ba Đình chiều 13/5, câu chuyện về nước râm ran từ đầu tới cuối ngõ. Anh Nam Thắng, chủ tiệm cắt tóc đầu ngõ cho biết, ngày 12/5, nhà máy nước Yên Phụ đã cho lắp đặt thêm đường ống dẫn nước nên tình hình “khô hạn” đã cải thiện ít nhiều. Tuy nhiên, vào lúc này các vòi nước trực tiếp đều không có giọt nước nào. Gần đó, những hộ dân tại ngõ 140 đường Nước Phần Lan, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ cũng đang bị đảo lộn cuộc sống do thiếu nước. Chị Lê Thị Tuyết, nhà số 9 than thở, cả tuần trước mất nước, nhà lại có 2 con nhỏ nên vợ chồng chị phải mua thêm xô để xin nước nhà có bể ngầm. “Mất nước không hề được báo trước, khi gọi lên tổng đài thì người ta trả lời là hỏng máy bơm mà cũng không nói bao giờ khắc phục”, chị Tuyết bức xúc.

Tình hình cấp nước tại các khu đô thị cũng không khả quan, người dân tại 2 tòa nhà N09B1 và N09B2 thuộc khu đô thị Dịch Vọng, quận Cầu Giấy cũng đang lao đao vì nước sạch. Bà Thanh, trú tại số 109, tòa nhà N09B1 cho biết, tòa nhà vừa bị cắt nước 3 ngày (10/5-12/5), mới được cấp lại nhưng vẫn nhỏ giọt. Kinh nghiệm từ nhiều lần mất nước, nhà bà đã mua sẵn 3 bình nước 19 lít, và huy động toàn bộ xô, chậu xếp kín nhà vệ sinh để dự trữ nước khi có. Anh Thắng, một cư dân trên tầng 17 cũng bức xúc, nói là cấp lại nước nhưng lúc được lúc không, khi có thì cũng rất nhỏ giọt và phải chọn giờ mới bơm được nhiều nước. “Thiếu gì chứ thiếu nước thì không thể sống nổi”, anh Thắng chia sẻ. 

Thừa nhận việc mất nước kéo dài tại ngõ 18 Quán Thánh, đại diện Xí nghiệp Kinh doanh Nước sạch Ba Đình cho biết, nguyên nhân thiếu nước là do nhu cầu sử dụng nước của người dân tăng đột biến vào những ngày nắng nóng. Cùng với đó, tuyến ống cấp nước cho các hộ dân tại đây là đường ống nhỏ đã sử dụng lâu năm nên không đáp ứng được việc cấp nước. Được biết, đơn vị đã có phương án thay thế tuyến ống phi 50 bằng tuyến ống phi 110 HDPE chiều dài 204m từ số nhà 2 đến số 54 phố Quán Thánh, dự kiến hoàn thành vào ngày 20/5.

Không để xảy ra bức xúc vì thiếu nước sinh hoạt

Ngày 14/5 tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình cung cấp nước sinh hoạt trong mùa hè, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, đây là vấn đề cấp bách của thành phố và yêu cầu không để xảy ra tình trạng bức xúc vì thiếu nước.  

Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Nguyễn Bảo Vinh cho biết, từ ngày 15/4 đến nay trên địa bàn nội đô đã xảy ra một số khu vực thiếu nước, mất nước cục bộ nhưng đến nay đã được giải quyết. Tuy nhiên, ông Vinh dự báo trong mùa hè năm nay, toàn thành phố có khoảng 60 điểm gặp khó khăn về cung cấp nước, chủ yếu là những khu vực có cốt địa hình cao, khu vực cuối nguồn...  Dù cho rằng, các đơn vị cung cấp nước sạch đã xây dựng kế hoạch chi tiết cho từng khu vực, nhưng lãnh đạo Công ty cũng thừa nhận tình hình cung cấp nước sạch trong dịp hè là khó khăn.

Về lượng nước sạch thiếu hụt từ 40.000-60.000m3/ngày đêm, theo ông Nguyễn Văn Tốn - Tổng Giám Công ty Nước sạch Vinaconex,  hiện nguồn nước từ nhà máy nước sông Đà cung cấp cho Hà Nội theo cơ chế tự chảy để đảm bảo an toàn cho đường ống, do đó áp lực nước không lớn, dẫn đến những khu vực cuối nguồn sẽ không có nước vào những ngày cao điểm. Chính vì thế, đơn vị này kiến nghị thành phố chỉ đạo các đơn vị cung cấp nước tiến hành xây dựng các trạm bơm tăng áp cục bộ đối với những khu vực cuối nguồn tại các quận như Hà Đông, Hoàng Mai, Thanh Xuân. Riêng đối với quận Hà Đông, hiện Nhà máy Nước sạch Hà Đông đã hoàn thành xây dựng 2 trạm bơm tăng áp, do đó, trong mùa hè năm nay, toàn địa bàn quận sẽ không còn những điểm khó khăn về cấp nước.     

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, việc cung cấp nước sạch cho người dân trong dịp hè là vấn đề cấp bách của thành phố. Các đơn vị cung cấp nước không được chủ quan, phải tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo cung cấp nước ổn định cho dân, đảm bảo đáp ứng đủ 100% nhu cầu khu vực nội đô. Không để xảy ra tình trạng bức xúc vì thiếu nước.

“Trước mắt làm sao khai thác tuyến số 1 của đường ống Sông Đà có khả năng tăng công suất khoảng 20.000 m3 vì hiện công suất nhà máy đang dư thừa”, ông Thảo nói.

Tuy nhiên, lãnh đạo thành phố cũng lo ngại về nguy cơ xảy ra sự cố hệ thống mạng cung cấp nước hiện nay.

Liên quan đến dự án đường ống số 2 dẫn nước từ nhà máy nước sông Đà về Hà Nội, lãnh đạo thành phố yêu cầu trong tháng 5/2015 chủ đầu tư phải báo cáo cụ thể về tiến độ để thành phố trả lời người dân.

Theo Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục, tổng sản lượng nước cung cấp  trong năm 2015 cơ bản không tăng thêm, dao động khoảng 900.000m3/ngày đêm. Trong khi dự báo nhu cầu trong năm nay tăng từ 5-7%, tương ứng với lượng nước thiếu hụt của toàn thành phố từ 40.000-60.000 m3/ngày đêm. Hiện hai đơn vị cung cấp nước chủ yếu cho thành phố là Công ty Nước sạch Hà Nội với công suất 585.000 - 620.000 m3/ngày đêm và nhà máy nước sạch sông Đà với công suất từ 220.000-240.000 m3/ngày đêm, còn lại là của nhà máy nước sạch Hà Đông và Sơn Tây.