Khởi kiện... 'nhân tài'

TP -Khóa máy điện thoại, vượt ra khỏi tầm liên hệ của thành phố, một số học viên trong Chương trình đào tạo, phát triển nhân tài của TP Đà Nẵng đã có dấu hiệu vi phạm hợp đồng với thành phố. Bất đắc dĩ, cơ quan chức năng đã cậy nhờ tòa án tư vấn pháp lý và sắp tới sẽ khởi kiện các nhân tài này.

> Người Việt trẻ thành danh ở Google
> Công dân toàn cầu đâu cứ phải 'hoành tráng'

Xù tiền tỷ?

Đà Nẵng lâu nay là địa phương đi đầu cả nước về thu hút, trọng dụng và ưu đãi đối với người giỏi trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, có những học viên vì nhiều lý do khác nhau đã và đang bỏ ngang chương trình đào tạo hoặc được đào tạo xong mà không quay về làm việc cho thành phố như cam kết trong hợp đồng.

So với hơn 500 học viên của Đề án đào tạo nhân tài của Đà Nẵng thì gần 20 người có dấu hiệu bỏ ngang và 3 người sắp tới sẽ bị khởi kiện chưa nhiều, nhưng cũng đủ để thành phố suy nghĩ lại.

Đề án đào tạo nguồn nhân lực trong và ngoài nước ở Đà Nẵng bắt đầu từ năm 2004, với Đề án 32, sau đó chuyển qua 151 và gần nhất là 47. Năm 2006, thêm một Đề án 393 đào tạo 100 thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài ra đời, đến năm 2011 thì gộp cả 2 Đề án 393 và 47 thành Đề án 922, đào tạo 523 học viên (trong nước là 224 học viên), trong đó thạc sĩ 82 người, tiến sĩ 19 người.

Năm 2008 đã bắt đầu có những học viên học xong và quay trở về cống hiến cho thành phố và hiện nay có 207 người nhận công tác, trong đó bậc sau ĐH là 73 người.

Trong số những học viên ở nước ngoài, có nhiều người sau khi học xong ĐH đã xin ở lại học thạc sĩ, hoặc học lên tiến sĩ. Tuy nhiên, đa phần không mặn mà lắm với chuyện học tiếp bằng kinh phí của thành phố mà họ muốn tự bỏ tiền túi.

Từ năm 2010–2012, chỉ có 6 trường hợp xin học chuyển tiếp ở nước ngoài bằng nguồn kinh phí đề án, trong khi đó có tới 2/3 học viên ở nước ngoài xin ở lại học tiếp. Cá biệt, có 5 trường hợp xin rút khỏi chương trình, 12 trường hợp không đạt kết quả học tập như trông đợi, 6 trường hợp không thực hiện nghĩa vụ cho thành phố (làm việc 7 năm cho thành phố với học viên du học và 5 năm với học viên trong nước). Hiện có 3 trường hợp đang được cơ quan chức năng cân nhắc khởi kiện.

Được biết, 3 trường hợp trên là những người nhiều lần không tuân thủ đúng hợp đồng. Đã có biểu hiện “xù” tiền chính sách như khi ra nước ngoài tắt máy liên lạc, nằm ngoài tầm liên hệ của thành phố thời gian dài. Đó là một cán bộ của Sở KHCN đang làm nghiên cứu sinh ở Úc, có vợ con đang ở Đà Nẵng.

Từ đầu năm đến nay, thành phố không liên hệ được với cán bộ này. Phần bảo lãnh hợp đồng không có sự tham gia của gia đình. Trường hợp thứ 2 học ĐH ở Mỹ, xong xin sang học thạc sĩ ở Anh rồi lấy chồng ở Anh, không về. Trường hợp thứ 3 học ĐH trong nước, xin đi du học ở Anh, cũng mất liên lạc. Hai trường hợp đang học ở Anh có gia đình ký bảo lãnh trong hợp đồng, tuy nhiên người thân của 2 học viên này tỏ vẻ vô can, bất cần trong quá trình thương lượng.

Theo Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (thuộc UBND TP Đà Nẵng), đơn vị này đã nhờ phía tòa án làm thủ tục tư vấn pháp lý và nhiều khả năng sẽ khởi kiện ra tòa dân sự để bắt buộc phía học viên hoàn lại kinh phí đào tạo. Được biết, chi phí sinh hoạt cho một học viên học ở Úc là 1.032 USD/tháng, ở Mỹ, Nhật, Anh, Pháp... là 1.200 USD/tháng.

Tính cả tiền học phí cùng các khoản chi phí bắt buộc khác như vé máy bay, bảo hiểm y tế, lệ phí visa... một học viên tiêu tốn khoảng 600–800 triệu đồng/năm. Theo hợp đồng, các học viên phải đền bù gấp 5 lần kinh phí cho thành phố nếu học xong không quay về cống hiến.

Sẽ khởi kiện

Ông Nguyễn Văn Chiến – Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho hay, thành phố tạo mọi điều kiện cho nhân tài được đi đào tạo, nhưng nếu nhân tài không quay về cống hiến, phá vỡ quy tắc hợp đồng thì cứ xét theo luật.

Mặc dù vậy, theo ông Chiến, đây là chuyện rất tế nhị nên cũng cần cân nhắc kỹ. Trước mắt, với 5 trường hợp từ chối quay về phục vụ và 12 không đạt kết quả sẽ tiếp tục thương lượng. Xét về nhiều mặt sẽ giảm mức đền bù từ gần 5 lần tổng kinh phí xuống 2 hoặc 3. Riêng 3 trường hợp như đã nêu chỉ còn cách ra tòa. Ngoài ra, cũng còn một trường hợp du học ở Pháp xong lấy chồng tại nước này rồi cũng mất liên lạc, đang được xem xét cân nhắc.

Với những trường hợp đi du học, do có yếu tố nước ngoài nên Trung tâm Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ kiện tại TAND thành phố, học trong nước kiện tại tòa quận. Riêng trường hợp học ĐH trong nước xong xin sang Anh học thạc sĩ, có thể bị kiện tới 2 lần.

“Chúng tôi hoàn toàn có quyền kiện và tòa xử kiện vắng mặt bên bị. Sau khi tòa tuyên, mỗi lần học viên bị kiện xuất cảnh sẽ khó khăn nếu chưa thi hành án. Nhưng trước mắt, những người này sẽ thiệt đầu tiên, đó là chữ tín”, ông Chiến nói.

Được biết, mấy năm qua, số tiền các học viên phải đền bù phá vỡ hợp đồng là 3,3 tỷ, tuy nhiên đến nay vẫn còn khoảng 1 tỷ chưa thu được.

“Vạn bất đắc dĩ”

Trao đổi với Tiền Phong, ông Bùi Văn Tiếng – Trưởng Ban tổ chức Thành ủy Đà Nẵng cho rằng, nếu có kiện ra tòa những học viên bội tín, phá vỡ hợp đồng thì cũng là việc “vạn bất đắc dĩ”.

“Thành phố có quyền đó nhưng sẽ cân nhắc, luật cần phải tuân thủ nhưng làm sao để các học viên còn thấy được tình cảm. Nếu đó là những người giỏi thật sự, họ đi khắp nơi cũng sẽ làm rạng danh Đà Nẵng. Đến một lúc nào đó, họ cũng có thể quay về. Hợp đồng sắp tới cũng sẽ thêm những điều khoản chế tài, nhưng không gì bằng hợp đồng tinh thần. Nhân tài cần phải thấy được sự rộng rãi, sức hấp dẫn của Đà Nẵng để về cống hiến mới là đáng quý. Tất nhiên, họ đi học bằng tiền thuế của dân thì phải về phục vụ Đà Nẵng là đúng”, ông Tiếng bày tỏ.

Theo Báo giấy