Tính đến cuối tháng 8, tỷ lệ giải ngân đầu tư công của TPHCM mới đạt 18,1% dù chính quyền TPHCM đặt mục tiêu giải ngân từng tháng rất kỹ và có cam kết của từng chủ đầu tư. Bốn ban lớn của TPHCM, gồm Ban Quản lý đầu tư xây dựng các công trình dân dụng và công nghiệp (Ban Dân dụng), Ban Quản lý dự án đầu tư các công trình giao thông (Ban Giao thông), Ban Quản lý đầu tư xây dựng các hạ tầng đô thị (Ban Hạ tầng), Ban Quản lý đường sắt đô thị (Ban Đường sắt) đến nay mới chỉ giải ngân được khoảng 10%. Ban Giao thông cam kết giải ngân tháng 8 là 590 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 86 tỷ đồng. Ban Hạ tầng cam kết 111 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 31,4 tỷ đồng. Ban Dân dụng cam kết 153 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 60 tỷ đồng. Ban Đường sắt cam kết 119 tỷ đồng nhưng chỉ giải ngân được 32 tỷ đồng.
Theo UBND tỉnh Bình Dương, kế hoạch đầu tư công năm 2024 từ vốn ngân sách nhà nước là 22.000 tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị giải ngân vốn của tỉnh mới là hơn 5.000 tỷ đồng, bằng 22,8% kế hoạch HĐND tỉnh giao và bằng 32,9% kế hoạch Thủ tướng giao. Tổng kế hoạch đầu tư công năm 2024 Bình Dương đã bố trí cho các công trình trọng điểm là 17.568 tỷ đồng, chiếm 79,9% tổng kế hoạch vốn của tỉnh. Giá trị giải ngân đến nay là 2.863 tỷ đồng, bằng 16,3% kế hoạch.
Khai thông nguồn vốn ngoài ngân sách
Phó Giám đốc Sở GTVT TPHCM Phan Công Bằng cho biết, thành phố sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan khai thông nguồn vốn ngoài ngân sách theo Nghị quyết 98 là BT (xây dựng-chuyển giao) và BOT (xây dựng-vận hành-chuyển giao). Với dự án BT, sau khi được HĐND TPHCM thông qua theo Nghị quyết 79, Sở GTVT đang tập trung lập báo cáo tiền khả thi dự án 5 tuyến đường để trong tháng 12 tới có thể được thông qua chủ trương đầu tư, triển khai khởi công vào cuối nhiệm kỳ này để thu hút nguồn vốn ngoài ngân sách.
Theo Sở KH&ĐT Đồng Nai, tổng nguồn vốn bố trí cho các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh năm 2024 là hơn 7.600 tỷ đồng, chiếm hơn 37% tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh. Trong đó, nguồn vốn bố trí cho công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án này lên đến gần 5.600 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8, nguồn vốn bố trí cho giải phóng mặt bằng mới giải ngân hơn 2.300 tỷ đồng, chiếm hơn 42% tổng nguồn vốn bố trí.
Năm 2024, tổng nguồn vốn đầu tư công của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu gần 20.200 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách Trung ương 1.260 tỷ đồng, dự án tỉnh quyết định đầu tư gần 13.100 tỷ đồng; các dự án huyện quyết định đầu tư hơn 5.847 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư công mới giải ngân được 4.874 tỷ đồng, chưa bằng 25% kế hoạch được giao.
Ì ạch giải phóng mặt bằng
Giải phóng mặt bằng chậm là nguyên nhân chính khiến tiến độ giải ngân chưa đạt kỳ vọng. Theo ông Lương Minh Phúc, Giám đốc Ban Giao thông TPHCM, có dự án chờ mặt bằng đến 5-10 năm, khi Luật Đất đai 2024 có hiệu lực, buộc phải tính toán lại để đảm bảo quyền lợi cho người dân…
Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức cho biết, trong khi tiến độ các dự án giao thông trọng điểm như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Đường vành đai 3 - TPHCM qua các địa phương khác có khối lượng xây lắp rất lớn, Đồng Nai vẫn chưa hoàn thành giải phóng mặt bằng. Theo ông, nguyên nhân chậm giải ngân là do sự phối hợp giữa các đơn vị chưa đồng bộ. Tại Dự án Xây dựng khu tái định cư Long Phước để phục vụ dự án cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Sở NN&PTNT và đơn vị kiểm lâm chưa phối hợp chặt chẽ nên phải mất 6 tháng mới có thể thanh lý được rừng tràm phục vụ xây dựng. “Các ban quản lý dự án phải xem xét lại vai trò điều hành. Cả 4 công trình hạ tầng xã hội tại khu tái định cư Lộc An - Bình Sơn không vướng mặt bằng, có đủ tiền mà vẫn chậm tiến độ”, ông Đức nói.
Theo đại diện UBND tỉnh Bình Dương, khi Luật Đấu thầu mới có hiệu lực, các nghị định, thông tư hướng dẫn chưa được ban hành kịp thời đã ảnh hưởng đến việc lựa chọn nhà thầu dẫn tới chậm giải ngân.
“Trảm” nhà thầu, xử lý cán bộ…
Nhìn nhận nhiệm vụ giải ngân đầu tư công tiếp tục bế tắc, khó khăn, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi mới đây đề nghị thủ trưởng 4 ban quản lý dự án chủ lực của thành phố kiểm điểm thật kỹ từng dự án, cập nhật kế hoạch và giữ cam kết hằng tháng để đến cuối năm phải đảm bảo giải ngân đạt 95% kế hoạch. Ban nào khó khăn cũng phải đạt trên 90%. Riêng các sở, ban ngành, địa phương phải cập nhật nhiệm vụ giải ngân đến cuối tháng 9, 10, 11, 12 và sang tháng 1 năm sau, đồng thời điều hành từng dự án, từng tháng; giao nhiệm vụ cho từng ban, từng tổ dự án và chịu trách nhiệm từng việc.
Trong khi đó, UBND tỉnh Bình Dương đã xây dựng ba kịch bản chỉ đạo điều hành. Theo ông Võ Anh Tuấn, Chánh Văn phòng UBND tỉnh Bình Dương, từ đầu năm đến nay, UBND tỉnh đã yêu cầu các cơ quan, đơn vị tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công; xử lý nghiêm các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện giải ngân vốn đầu tư công; kịp thời thay thế cán bộ, năng lực yếu kém gây trì trệ, nhũng nhiễu trong quản lý đầu tư công. Gần đây nhất, Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng Bình Dương chấm dứt hợp đồng thi công khối kỹ thuật trung tâm, nhà quàn tại dự án Bệnh viện 1.500 giường, vốn đầu tư hơn 2.300 tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh Nam Thịnh. Công ty này đã hoàn thành được 90% khối lượng gói thầu nhưng tiến độ nhập thiết bị chính như máy phát điện, tủ điện, cáp điện, thiết bị chữa cháy... quá chậm, dù cơ quan chức năng đã đôn đốc nhiều lần.
Để thúc đẩy tiến độ các dự án, giải ngân nguồn vốn đầu tư công, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Nguyễn Hồng Lĩnh yêu cầu xử lý vướng mắc về giải phóng mặt bằng các dự án như vận dụng các chính sách có lợi nhất cho người dân, nhanh chóng chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và vận động người dân bàn giao mặt bằng. Ông Lĩnh cũng yêu cầu các cơ quan chức năng vào cuối năm phải báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy số vốn tồn, chưa giải ngân của từng dự án cũng như tổng vốn chưa giải ngân trên địa bàn tỉnh. Địa phương nào để vốn tồn nhiều thì bí thư, chủ tịch địa phương đó phải hạ một cấp thi đua.
Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương tập trung rà soát các công việc còn chậm, đánh giá thực tế, nhận diện các hạn chế, thiếu sót, tồn tại để có giải pháp, kế hoạch khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, bảo đảm hoàn thành tốt kế hoạch. Đồng thời, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp tháo gỡ hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.