Khởi động chiến dịch “giải cứu” du lịch miền Trung

TP - Nửa năm sau sự cố ô nhiễm biển miền Trung, Tổng cục Du lịch chính thức phát động chiến dịch kích cầu du lịch, kỳ vọng giúp người dân và du lịch các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề vượt khó.  
Dãy nhà hàng nổi Vũng Áng (Hà Tĩnh) vẫn rất vắng khách. Ảnh: Xuân Hoàng

Điêu đứng

Bên cạnh các ngành nghề, lĩnh vực khác bị tác động từ sự cố ô nhiễm Formosa, du lịch hứng chịu không ít thiệt hại. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch nhắc tới tình trạng điêu đứng, sụt giảm nghiêm trọng của du lịch các tỉnh miền Trung.

 “Theo thống kê chưa đầy đủ, thiệt hại trực tiếp của ngành du lịch 6 tỉnh miền Trung là hơn 2 nghìn tỷ đồng, thiệt hại gián tiếp và về lâu dài chưa thể tính được, và cũng không thể phục hồi trong một sớm một chiều”, ông Tuấn nói. Đó là lí do Tổng cục chủ trì hai hội nghị xúc tiến lớn tại Hà Nội sáng 17/11 và chiều 18/11 tại TPHCM.

Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh chia sẻ bên lề về thiệt hại của lĩnh vực kinh doanh dịch vụ ở Hà Tĩnh: Khoảng 1.700 người mất việc làm, trong đó hơn nghìn người trong hệ thống nhà hàng ven biển. Thống kê 9 tháng đầu năm cho thấy, khách đến Hà Tĩnh giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái, tương đương mức sụt giảm của doanh thu từ du lịch. Phó Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, ông Đặng Đông Hà cũng đưa ra thống kê tháng 10 này tổng du khách giảm hơn 46%, tổng doanh thu giảm khoảng 48%.

Lãnh đạo Tổng cục cho rằng, đến lúc phát động chiến dịch kích cầu nội địa miền Trung, từ đó tác động tới thị trường quốc tế. Cuối tháng này hai đoàn khảo sát Hà Nội, TPHCM đến miền Trung, sau đó là cuộc phát động lớn tại hai thành phố lớn của Thái Lan là Bangkok, Udon Thani- nơi dễ dàng kết nối đường bộ với các tỉnh bắc miền Trung và là thị trường nguồn từ trước tới nay.

Làm gì nếu không du lịch biển?

Hội nghị tại Hà Nội và TPHCM là diễn đàn để các địa phương giới thiệu tiềm năng du lịch mới, chuyển hướng sản phẩm trong hoàn cảnh ô nhiễm biển. Trong lúc chờ Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch đề xuất sản phẩm đặc thù cho miền Trung vào cuối năm, mỗi địa phương bước đầu “chào hàng” dù có địa phương vẫn tỏ ra lúng túng.

Với Huế, bên cạnh tua tuyến cũ, đại diện tỉnh đề xuất một số tua mới như không gian dịch vụ văn hóa Lục Bộ, nguyên là nơi làm việc của Thượng thư Bộ Học xưa. Thay vì đến một số bãi biển nổi tiếng của Huế trước đây, du khách có thể chọn tua du lịch sinh thái. Quảng Trị tự biết lợi thế của mình là di tích lịch sử, cách mạng, với nguồn du khách đổ về không hề nhỏ để viếng thăm thành cổ, địa đạo. Đại diện một công ty du lịch cho biết, cuối năm nay rất nhiều khách cựu thanh niên xung phong đặt tua đổ về Quảng Trị.

Trong bối cảnh khó, Quảng Bình vẫn đặt chỉ tiêu đến 2020 đón 5,5 triệu lượt khách, trong đó 300 nghìn lượt khách quốc tế. Riêng tuyến Phong Nha-Kẻ Bàng cũng mở rộng, bởi du khách trước đây mới khám phá được một phần nhỏ, nay tua mới là khám phá Xuyên Sơn Hồ và chinh phục 4,5km Phong Nha. 

Đại diện Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình cho hay, loại hình du lịch cộng đồng ở miền sơn cước Phong Nha vài năm gần đây phát triển mạnh, thu hút khách quốc tế. Quảng Bình vẫn giữ thương hiệu du lịch mạo hiểm khám phá hang Sơn Đoòng với 6 mức độ khác nhau, từ cấp thấp nhất hang Nước Nứt có hệ thống thạch nhũ trắng rất đẹp đến mức cao nhất là hang Sơn Đoòng. 

Tuy nhiên, mỗi năm hang động này chỉ đón khoảng 540 khách trong năm, nếu thời tiết tốt có thể thêm 100 khách nữa. Đợt mở bán cuối cùng trong năm, 50 khách cuối mua được tua Sơn Đoòng trong vòng mấy chục phút.

Nghệ An dự kiến sẽ có lễ hội hoa hướng dương cuối tháng 12 này-sản phẩm được nhiều công ty lữ hành chào bán. Lãnh đạo ngành du lịch Nghệ An tự tin về những sản phẩm gắn với khu dự trữ sinh quyển Pù Mát, khu đồi chè Thanh Chương và du lịch tâm linh, vui chơi giải trí. 

Ông Lê Trần Sáng, Phó Giám đốc Sở VHTTDL tỉnh Hà Tĩnh nêu một loạt chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp, cá nhân đầu tư và hoạt động kinh tế tại tỉnh. Về các sản phẩm mới, Hà Tĩnh dự kiến phát triển hệ thống sản phẩm gắn với du lịch sinh thái, du lịch tâm linh và di sản văn hóa phi vật thể.

Ông Vũ Quốc Trí, Giám đốc Dự án EU nhắc đến nghiên cứu sản phẩm giúp bốn tỉnh miền Trung “giảm bớt tính thời vụ, thu hút khách quốc tế”. Thực tế, nghiên cứu thực hiện năm 2015 khi chưa có sự cố ô nhiễm biển, cho nên khi xảy ra sự kiện Formosa, nghiên cứu này càng cần thiết bởi nó giúp các địa phương phát triển mà không quá phụ thuộc du lịch biển. 

Ba dòng sản phẩm mới được đề xuất: du lịch ven biển, du lịch mạo hiểm, phát triển sự kiện thể thao dọc tuyến đường mòn Hồ Chí Minh. Ông Trí đưa ví dụ sản phẩm du lịch mạo hiểm đường mòn Hồ Chí Minh tối đa dài 7 ngày từ Hà Nội-Đông Hà, kèm theo dịch vụ dựa trên yếu tố về thiên nhiên, hang động và di tích lịch sử dọc các tỉnh. 

Đây cũng là tuyến đường có thể tổ chức cuộc đạp xe, vào mùa lạnh để hạn chế tính thời vụ. Những người làm du lịch, các chuyên gia nhắc đi nhắc lại sự cần thiết có liên kết sản phẩm, địa phương đối với sáu tỉnh miền Trung từ Thanh Hóa tới Quảng Trị.

Chiều 17/11 tại Hà Nội, Tổng cục Du lịch Việt Nam và đoàn Nhật Bản quy tụ tại phiên họp Ủy ban hợp tác du lịch Việt Nam-Nhật Bản lần thứ 7. Năm năm qua, lượng khách Nhật tới Việt Nam tăng gấp rưỡi. Nhật luôn là nhóm 5 thị trường gửi khách hàng đầu của du lịch Việt Nam. Khách Nhật tới Việt Nam cũng tăng 11% trong 10 tháng qua. Thời gian tới, hai bên tiếp tục các hoạt động giao lưu, trao đổi, xúc tiến du lịch, đặc biệt Nhật tiếp tục hỗ trợ Việt Nam phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, cư trú tại nhà dân.