Sáng 5/8, anh M., một người bán thanh long bằng xe đẩy trên đường Lâm Văn Bền (quận 7, TP Hồ Chí Minh) treo tấm biển báo giá: 10.000 đồng/kg. Tuy nhiên, ngay sáng hôm sau (6/8), cũng người đàn ông bán thanh long này đã phải điều chỉnh mức giá xuống còn 15.000 đồng/2 kg (trước đó khoảng 1 tuần, giá thanh long khu vực này là 15.000 đồng/kg).
Cùng cảnh ở nhiều đoạn đường như Trần Quốc Hoàn gần sân bay Tân Sơn Nhất, Lê Trọng Tấn… nông dân mang vải bạt trải xuống đất rồi chất thanh long thành đống, bán với giá 10.000 đồng/3kg.
Tại các chợ đầu mối nông sản tại TP Hồ Chí Minh đang diễn ra tình trạng giá tụt giảm mạnh và ế ẩm khác thường. “Bà con than phiền việc hàng bán không chạy, lại còn xuống giá dữ quá”-giám đốc chợ đầu mối nông sản Hóc Môn Nguyễn Tiến Dũng nói với Tiền Phong. Ông cho biết, phần lớn các loại rau, củ, quả tại chợ đầu mối Hóc Môn hiện có giá giảm từ 5-8% so với một tuần trước đó, tức mức giảm từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. “Với buôn bán sỉ, mức giá này là giảm rất đáng kể”- ông Dũng nhận xét. Cụ thể giá một số mặt hàng tại chợ đầu mối Hóc Môn ngày 5/8 so với một tuần trước đó: su su 3.700 đồng/kg, giảm 1.500 đồng; khoai môn 20.000 đồng, giảm 3.000 đồng/kg; cà chua 8.000 đồng, giảm 2.000 đồng/kg; bắp cải 10.000 đồng, giảm 1.000 đồng/kg…
Theo ông Dũng, nhiều mặt hàng giảm giá là vì vào mùa mưa, sức mua có phần giảm sút và đây là quy luật thị trường hằng năm. Tuy nhiên, riêng năm nay giá giảm khá mạnh so với mức giảm 3-4% của các năm trước. Ông Dũng cũng cho biết, lượng hàng về chợ đầu mối Hóc Môn mỗi ngày trên dưới 2.000 tấn sản phẩm các loại.
Nhà vườn “khóc ròng”
“Đang vào mùa nhưng tôi đành phải lặt bỏ hết toàn bộ trái chưa đến độ thu hoạch” - ông Ung Ngọc Hải, chủ trang trại thanh long Ngọc Hân rộng 18 mẫu tại thôn Dân Bình (xã Hàm Kiệm, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) nói. Ông cho biết, sở dĩ phải làm như vậy là vì giá thanh long bán tại vườn hiện nay rớt thảm hại, chỉ còn 4.000 đồng/kg. Trong khi, trước đó khoảng một tháng, giá thanh long ở mức 18.000 đồng/kg. Theo ông Hải, giá thanh long hiện tại đã xuống đến mức thấp nhất kể từ nhiều năm qua.
Cũng theo ông Hải, rớt giá là do diện tích trồng thanh long tại Bình Thuận cũng như nhiều địa phương khác vượt lên quá nhiều so với quy hoạch cũng như nhu cầu thị trường. Trong khi đó, Trung Quốc - thị trường xuất khẩu thanh long chủ lực của Việt Nam, cũng đang phát triển mạnh cây thanh long nên nhu cầu nhập thanh long Việt Nam có phần giảm, thanh long vốn dư thừa giờ lại càng thêm dư thừa.
Mấy hôm nay, anh Nguyễn Bình và gia đình tại ấp Suối Răm (xã Xuân Quế, huyện Cẩm Mỹ, tỉnh Đồng Nai) phải “bò ra” để thu hoạch chôm chôm trong vườn nhà. Anh Bình cho biết, giá chôm chôm tại vườn hiện chỉ còn 2.500 đồng/kg, nếu thuê người hái với giá 170 -200 nghìn đồng/ ngày thì xem như không lãi nên cố bỏ công làm lời. Anh cũng tính toán, với một hécta chôm chôm loại tốt thu hoạch được 20 tấn/vụ (1 năm) và bán được 50 triệu đồng. Trong khi, chỉ riêng chi phí nhân công thu hoạch đã chiếm trên 1/3. Nếu tính cả chi phí phân, thuốc, bơm tưới nước, công chăm sóc...thì người trồng gần như trắng tay. “Điều khác biệt là năm nay khi đã cuối vụ nhưng nhiều loại trái cây giá vẫn không thể nhích lên”- anh Bình nói.
Không riêng trái cây, anh Bình cho biết, giá mủ cao su cũng đang giảm mạnh so với trước đó, cụ thể hiện chỉ còn 10.000 đồng/kg mủ tươi, giảm 5.000 đồng so với vụ trước. Vì giá giảm sâu lại kéo dài trong nhiều tháng nên không ít người dân trong vùng tính chuyện đốn hạ vườn cao su để chuyển sang cây trồng khác.
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, trong 6 tháng đầu năm, xuất khẩu nông – lâm – thủy sản ước đạt 14,88 tỷ USD, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2013. Tuy nhiên, trong 2 tháng gần đây, xuất khẩu một số mặt hàng sụt giảm mạnh, ế ẩm do ảnh hưởng từ thị trường Trung Quốc, đặc biệt là gạo, cao su, dưa hấu, vải, thanh long, sắn… Theo bà Phan Thị Diệu Hà- Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) hoạt động xuất khẩu nông sản 6 tháng cuối năm 2014 sẽ gặp những nhân tố bất lợi về thị trường bởi một số nước nhập khẩu hàng nông sản đẩy mạnh tiêu dùng trong nước, hạn chế nhập khẩu.