Trả lời báo chí tại họp báo chuyên đề sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2020 do Ban chỉ đạo 389 quốc gia tổ chức chiều 23/7, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh Văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, vụ triệt phá kho hàng lậu rộng hơn 10.000m2 ở TP Lào Cai đầu tháng 7 là vụ bán hàng giả, lậu liên quan tới thương mại điện tử (TMĐT) có quy mô lớn nhất từ trước đến nay.
Theo ông Minh, trong vụ việc này có trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương. Nhưng cụ thể tới đâu còn phải chờ kết luận điều tra, và việc này do các lực lượng khác xử lý.
“Trong tháng 8 này, chúng tôi sẽ yêu cầu lực lượng QLTT địa phương trả lời, làm rõ tại sao lại có kho hàng lớn và tồn tại gần 2 năm như vậy mà không hay biết”, ông Minh khẳng định.
Theo nhận định của lực lượng chức năng, nhóm đối tượng này đã tính toán rất kỹ khi lựa chọn tổng kho đặt tại Lào Cai, cách cửa khẩu chỉ 2km, phía trước giáp với đường ray ga Lào Cai, phía sau là một quả đồi. Vị trí này sẽ giúp cho nhóm đối tượng khai thác được các lợi thế chính như tiếp giáp cửa khẩu quốc tế, chỉ cần tuồn được hàng qua cửa khẩu là có thể nhập kho lượng lớn hàng hóa, tránh được sự giám sát của các cơ quan chức năng.
“Những lao động phổ thông, chốt đơn trong tổng kho, làm việc quần quật cả ngày cũng chỉ được trả bình quân từ 5-7 triệu đồng/tháng. Cán bộ thủ quỹ, kế toán được trả từ 7-10 triệu đồng. Người quản lý chung được trả khoảng 20 triệu đồng. Cá biệt có một số nhân viên diễn livestream được trả tới trên 80 triệu đồng/tháng”, ông Minh cho hay.
Qua điều tra của Tổng cục QLTT, tổng các loại chi phí bao gồm chi phí cố định, chi phí cho cơ sở vật chất, ăn uống, các chi phí phát sinh khác của tổng kho này trong 1 tháng là khoảng xấp xỉ 2 tỷ đồng. Đặc biệt, trong danh sách liệt kê của nhóm đối tượng có một loại chi phí được kê ra là “luật lá” 20 triệu đồng/tháng. Trả lời câu hỏi chi phí này chi cho ai? Ông Minh cho biết, đây là nội dung chính QLTT khai thác được từ các đối tượng bị bắt quả tang. “Còn để làm rõ đúng không và chi cho ai, QLTT không có thẩm quyền điều tra, mà do công an”, ông Minh chia sẻ.
Người mua gặp rủi ro
Với thương mại điện tử (TMĐT) tại Việt Nam, riêng thị trường nội địa có khoảng 65 triệu người sử dụng, chiếm trên 60% dân số cả nước, chưa kể người Việt ở nước ngoài. Với tốc độ tăng trưởng chóng mặt, ông Minh cho hay thị trường này đang không chỉ tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp (DN) mà cả những đối tượng xấu trục lợi.
“Tại Trung Quốc, có những KOLs (người nổi tiếng trên mạng xã hội) sau 2 giờ đồng hồ livestream có thể kiếm được hàng chục đô-la. Ở Việt Nam cũng vậy. Livestream rất lợi ích với DN làm ăn chân chính. Song qua vụ Lào Cai cho thấy rất rủi ro với người tiêu dùng bởi họ không thể xác định nguồn gốc của sản phẩm định mua, định vị được người bán ở đâu, muốn đổi trả hàng phải làm sao…”, ông Minh cho hay.
Theo Tổng cục QLTT, tổng kho hàng lậu ở Lào Cai có 237 chủng loại hàng hóa với tổng số 158.014 đơn vị sản phẩm. Trong đó, gồm 151.326 đơn vị sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ (hàng lậu) và 6.688 đơn vị hàng hóa có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của các thương hiệu nổi tiếng thế giới.